Lan tỏa tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp bền vững
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội biết, từ năm 2019, nhà trường đã cải tiến, đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo, đưa khởi nghiệp như một môn học bắt buộc và là kênh truyền tải tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp đến sinh viên.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, từ góc độ quản lý, theo dõi xu hướng đào tạo, nghiên cứu và việc làm của sinh viên nhà trường nói riêng và khảo sát thêm các cơ sở giáo dục đại học khác, nhà trường nhận thấy thực tế sinh viên sau khi ra trường (bao gồm cả những ngành khoa học cơ bản hay cận kề khoa học cơ bản) không nhất thiết chỉ làm đúng lĩnh vực được đào tạo.
Thay vào đó, nhiều em mong muốn trải nghiệm ở những môi trường có thể tự kiến lập con đường đi, tự hoạch định xu hướng phát triển nghề nghiệp, công việc. Bên cạnh những em thành công về mặt khoa học, tiếp tục làm nghiên cứu chuyên sâu thì rất nhiều em đã khởi nghiệp và lập nghiệp thành công.
“Vì thế, chúng tôi định hướng phải hài hòa giữa 2 chiều cạnh phát triển, có nghĩa vẫn đào tạo một cách hàn lâm, chuyên sâu, cung cấp kiến thức dày cho các em về phương pháp nhưng nếu sinh viên sẵn sàng tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp thì chúng ta không hạn chế. Nhà trường xác định rằng kiến thức nền tảng vẫn là vững chắc, nhưng luôn để các em có thể linh hoạt, năng động lập nghiệp, khởi nghiệp”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, trong thời gian qua, nhà trường đã trao đổi với một số cơ sở giáo dục đại học, với mong muốn lan tỏa tinh thần này. Bên cạnh việc môn khởi nghiệp được dạy một cách chính thức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, giảng viên của nhà trường cũng xây dựng bài giảng và đã bắt đầu có thể giảng dạy cho các trường khác trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong bối cảnh trên, nhà trường đã có đối tác đặc biệt là Quỹ Đào Minh Quang. Quỹ đã trao đổi, thống nhất và đồng hành với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để triển khai dự án, chương trình liên quan đến lập nghiệp, khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam cho thanh niên Việt Nam.
“Mục tiêu của chúng tôi là sinh viên nói chung, trong đó hẹp hơn là sinh viên lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn trên toàn quốc sẽ có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dựa trên nền tảng tri thức, sẵn sàng tâm thế có thể hoạt động, làm việc và trưởng thành, thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào sau khi ra trường. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những bộ học liệu chuẩn quốc gia, các ấn phẩm tham khảo rộng rãi và đặc biệt là các mô hình đào tạo, mô hình lan tỏa để chúng ta cùng phát triển”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ
Đánh giá về vấn đề lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho biết trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư quốc tế, giúp thị trường khởi nghiệp ngày càng giàu tiềm năng để phát triển.
Theo chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu công bố năm 2024, chỉ số sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 5 Đông Nam Á, thứ 12 khu vực châu Á Thái Bình Dương và thứ 56 toàn cầu. Số công ty khởi nghiệp của Việt Nam xếp thứ 31 trên toàn cầu, với hơn 4.000 công ty khởi nghiệp, đa số đều do người trẻ làm chủ đầu tư. Các công ty khởi nghiệp này đa số tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục,... và lấy nền tảng công nghệ để có những mô hình phát triển sáng tạo, mang tính đột phá.
Theo ông Triệu Thế Hùng, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia thông qua việc tạo ra doanh thu và những việc làm mới. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, thách thức đặt ra đối với lập nghiệp và khởi nghiệp ở Việt Nam.
Đơn cử, nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế đối với việc đáp ứng nhu cầu vay vốn khởi nghiệp. Vấn đề kiến thức về pháp lý, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và việc kết nối với các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp cũng là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Chưa có nhiều doanh nghiệp được hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường đại học. Việc thương mại hóa các sản phẩm của dự án khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động định hướng nghiên cứu, kết nối các kiến thức về khởi nghiệp cho giáo viên, học sinh, sinh viên chưa thực hiện bài bản và có chiều sâu, tính thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, lập nghiệp mang tính tự phát, chuyên môn kỹ thuật còn thấp, thiếu kiến thức, thiếu những thông tin về thị trường và nguồn tài chính còn hạn chế. Các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa được thể hiện thống nhất trong một luật riêng, mà còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, gây khó khăn cho việc tra cứu cũng như áp dụng. Các quy định về sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể còn yếu, thủ tục phức tạp, thời gian cấp phép kéo dài, chưa đủ để bảo vệ và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng nhìn nhận, Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mang tính thực tiễn, phù hợp với việc đào tạo, giáo dục nghề, hướng nghiệp, lập nghiệp của Việt Nam. Chính phủ Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ khởi nghiệp và cung cấp nguồn tài trợ, hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả.
“Việt Nam đang có những bước nhảy vọt về kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chúng tôi thấy rằng việc lập nghiệp, khởi nghiệp hơn bao giờ hết là sứ mệnh quan trọng nhất đối với thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Ông bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học sẽ kiến nghị, hiến kế đối với Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý về chính sách khởi nghiệp, hỗ trợ lập nghiệp cũng như khởi sự doanh nghiệp đối với thanh niên.
Số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên có thể tăng trưởng 10-15% mỗi năm
Theo TS Mạc Quốc Anh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch/Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, phong trào khởi nghiệp trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam, đặc biệt đối với thanh niên và sinh viên.
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ và các tổ chức đã đặt mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp để tạo cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Tại Hà Nội, với vai trò là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước, các trường đại học đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào này. Số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên tại Hà Nội tăng gấp 5 lần từ năm 2010 đến năm 2023. Từ chỉ 100 dự án vào năm 2010, con số này đã đạt mức 500 dự án vào năm 2023. Các dự án khởi nghiệp của sinh viên đã thu hút được tổng số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ.
Dự báo từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc có thể tăng trưởng 10-15% mỗi năm, với xu hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và nông nghiệp bền vững. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 là có ít nhất 10.000 dự án khởi nghiệp từ sinh viên, trong đó 50% dự án sẽ có quy mô lớn và tác động mạnh đến thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Trong đó, thiếu vốn đầu tư là một trở ngại lớn. Mặc dù đã có nhiều quỹ hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án khởi nghiệp mới. Ngoài ra, sinh viên thường thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh, dẫn đến việc không thể duy trì hoạt động của dự án khi gặp khó khăn. Sự liên kết giữa sinh viên, nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng vẫn còn hạn chế.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Các trường đại học mạnh là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Việc giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho người học đã được các trường đại học, cao đẳng quan tâm để triển khai đa dạng về nội dung, hình thức nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ sinh viên có thể biến ý tưởng thành dự án kinh doanh khả thi, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên, việc biên soạn khung chương trình, nội dung, thời gian và hình thức đào tạo vẫn chưa được thống nhất và không có quy chuẩn chung nên việc chia sẻ nguồn lực giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tri thức và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các trường đại học, cao đẳng không thực hiện được.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm cho rằng trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để củng cố niềm tin, tăng cường mối liên kết hữu cơ, bền chặt giữa đại học - doanh nghiệp cũng như tăng cường công tác biên soạn khung chương trình, tài liệu, giáo trình, học liệu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên được chất lượng, hiệu quả, thực chất.
Tại Hội thảo, ban tổ chức đã công bố và giới thịệu Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn do Quỹ Đào Minh Quang, Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ.
Dự án gồm một số nội dung chủ yếu như: các hoạt động chuyên môn, tiến độ thực hiện và sản phẩm của từng hoạt động nhằm sử dụng vào thực tiễn đào tạo và thực hành khởi nghiệp cho sinh viên và học viên trong các trường đại học và cao đẳng. Điểm mới và trọng tâm của dự án này là việc đào tạo thực hành theo mô hình Lập nghiệp bền vững của Cộng hòa Liên bang Đức cho những người muốn đi lập nghiệp và khởi nghiệp, thường ở độ tuổi từ 18 đến 35.
TS Đào Minh Quang, Chủ tịch Quỹ Đào Minh Quang, Trưởng Ban cố vấn dự án cho biết, ý tưởng xuyên suốt của dự án là triển khai các chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên nhận thức về lập nghiệp và khởi nghiệp một cách bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo ông, để bảo đảm các doanh nghiệp được thành lập và có thể tồn tại, phát triển bền vững, người lập nghiệp, khởi nghiệp phải có kiến thức chuyên môn, thái độ cầu thị và ham học hỏi.
“Tôi muốn đóng góp vào lĩnh vực giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo đại học và khoa học. Với sự trợ giúp của Quỹ Đào Minh Quang, thông qua các hoạt động từ thiện trong đào tạo và cung cấp truyền bá kiến thức, phương pháp luận, tôi mong sinh viên có thể tự vươn lên thay đổi cuộc đời”, TS Đào Minh Quang bày tỏ.