Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Năm nay, từ 800 tác phẩm, Ban Giám khảo đã lựa chọn 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.
Giải đặc biệt được trao cho tác phẩm: Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ của nhóm tác giả Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngoài ra, Ban Giám khảo cũng đã trao 2 giải nhân vật ấn tượng cho Thầy giáo Đỗ Đức Thuần, Thầy giáo Hoàng Đức Hòa - Nhân vật trong tác phẩm "Lửa" từ tâm của báo Quảng Bình và Nhà giáo Đỗ Thị Hồi - Nhân vật trong tác phẩm Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi - 32 năm tận tâm cống hiến nơi vùng khó của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long.
Qua 7 năm tổ chức, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã khẳng định được vị trí, uy tín trong các giải thưởng báo chí trên toàn quốc. Số lượng tác phẩm tham gia ngày càng nhiều và chất lượng luôn được nâng cao, có sức lan tỏa. Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi của 4 loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Giải cũng nhận được sự tham gia của đông đảo cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
Ở những mùa giải trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, ngay từ mùa giải đầu tiên (năm 2018), Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã được đón nhận và thu hút sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí trên cả nước với gần 800 tác phẩm dự thi của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Đến nay, trải qua 6 năm, Giải đã trở thành cái tên quên thuộc, được trông đợi mỗi năm của cộng đồng các nhà báo, phóng viên theo dõi giáo dục.
Năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Giải ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trên cả nước. Thành công của Giải cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
“Những năm tiếp theo, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước”- Nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí trong việc lan tỏa giá trị tốt đẹp của giáo dục, phản ánh chân thực những thách thức và thành tựu của ngành; đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc gửi tới các nhà báo, phóng viên - những người đã luôn đồng hành, chia sẻ và góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển.
Qua 6 năm tổ chức, Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục đã trở thành sự kiện uy tín, thu hút sự tham gia của đông đảo các phóng viên, nhà báo cơ quan báo chí từ địa phương đến Trung ương. Hơn 800 tác phẩm dự thi năm nay tiếp tục chứng minh sức hút và ý nghĩa sâu sắc của giải thưởng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí nói riêng, toàn xã hội nói chung đối với lĩnh vực giáo dục, đối với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT trong bối cảnh mới của đất nước.
Theo Thứ trưởng, các tác phẩm dự thi năm nay đã phản ánh sống động bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục, từ những thách thức trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa; từ những hình ảnh các em học sinh, sinh viên hiếu học, vượt khó đến từ những vùng quê khác nhau, cho đến những tấm gương nhà giáo tận tâm cống hiến và các câu chuyện truyền cảm hứng về sự sáng tạo, đổi mới trong dạy và học. Những bài viết không chỉ làm sáng tỏ những vấn đề tồn tại mà còn đưa ra các giải pháp, góp phần tạo nên diễn đàn trao đổi ý nghĩa giữa ngành Giáo dục và xã hội.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, Giải báo chí năm nay ghi nhận nhiều dấu ấn mới. Số lượng và chất lượng các tác phẩm thuộc mọi loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đều tăng. Đặc biệt, sự xuất hiện của các hình thức như Mega Story, Emagazine, Podcast mang đến sự mới mẻ và hiện đại trong cách truyền tải nội dung. Những vấn đề thời sự như chính sách nhà giáo, chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa học đường, hay an toàn trường học… đã được các tác giả phản ánh một cách toàn diện và sâu sắc.
Điều này cho thấy báo chí không chỉ đóng vai trò là người đồng hành, mà còn là cầu nối quan trọng giúp ngành Giáo dục nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ xã hội; đồng thời là kênh phản biện quan trọng để xây dựng chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
“Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đã dành tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện qua những tác phẩm báo chí giá trị. Sự đồng hành và cống hiến của quý vị và các bạn là nguồn động lực lớn lao giúp ngành giáo dục không ngừng tiến bước.
Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, Thứ trưởng Bộ Bộ GD-ĐT tuyên bố phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2025. Ban tổ chức sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo, để Giải ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống bền lâu.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chúc các nhà báo luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc. Đồng thời, gửi tới các thầy cô giáo lời tri ân sâu sắc, lời chúc mừng tốt đẹp nhất Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.