Ứng dụng công nghệ cao đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng của ngành lâm nghiệp
Tại Hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đã báo cáo một số đặc thù của hoạt động sản xuất trong ngành lâm nghiệp hiện nay, cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp.
Theo ông Trần Quang Bảo, tại Việt Nam hiện nay, ngành lâm nghiệp được giao quản lý 14,8 triệu hecta rừng, trong đó có trên 10 triệu hecta là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Nếu chia theo cơ cấu 3 loại rừng, có khoảng 2,2 triệu hecta rừng đặc dụng (các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên), khoảng 4,6 triệu hecta rừng phòng hộ và khoảng 7,8 triệu hecta là rừng sản xuất (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng).
Lâm nghiệp là một ngành kinh tế, kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, bao gồm từ khâu giống, trồng rừng, quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản. Đồng thời, có gần 20 triệu đồng bào Việt Nam sống trong và gần rừng. Do đó, ngành lâm nghiệp có tính đặc thù rất cao.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, vấn đề ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng của ngành. Điều này thể hiện trước hết ở công tác giống, phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng giống trồng. Hiện mỗi năm, ngành lâm nghiệp trồng tái canh khoảng 260.000 hecta rừng.
“Dư địa đất để mở rộng quỹ đất sản xuất trồng rừng không còn nhiều. Muốn tăng sản lượng khai thác và cung cấp nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chủ yếu dựa vào việc tăng năng suất rừng trồng cũng như trồng cây gỗ lớn và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Một trong những yếu tố quan trọng chính là ứng dụng công nghệ sinh học vào cải thiện giống cây rừng”, ông Bảo cho biết.
Việt Nam khá thành công trong việc cải thiện, nâng cao năng suất các giống cây trồng để phục vụ trồng rừng, đặc biệt hướng tới trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, hiện năng suất bình quân rừng trồng của cả nước chỉ đạt khoảng 15-18 m3/hecta/năm. Con số này so với năng suất khảo nghiệm, thí nghiệm về mô hình và thâm canh (bình quân 30 m3/hecta/năm) còn khá thấp. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các loài cây thích ứng nhiều điều kiện lập địa và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các vùng khác nhau để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
Cũng theo ông Trần Quang Bảo, với trên 14,8 triệu hecta rừng, trải dài khắp cả nước thì công tác theo dõi, quản lý, giám sát tài nguyên rừng đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực về công nghệ GIS và viễn thám để cập nhật, truy sử hình ảnh vệ tinh. Từ đó, theo dõi, giám sát rừng một cách tự động, thường xuyên; giảm thiểu công sức cũng như việc tuần tra, theo dõi trên mặt đất. Trong xu thế mới, việc tính toán diện tích rừng liên quan đến hấp thụ CO2 để giảm thiểu tác động của biến đổi của khí hậu cũng là lĩnh vực ưu tiên, cần ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó là công nghệ trong chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ông Trần Quang Bảo thông tin, ngành lâm nghiệp Việt Nam về tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 2 trong các nước trên thế giới, với bình quân 16 tỷ USD/năm. Nếu tính cả thị trường nội địa, Việt Nam đứng thứ 5, sau Trung Quốc, Đức, Ba Lan và Ý. Công tác chế biến đồ gỗ có 80% đến từ gỗ rừng trồng trong nước. Tuy nhiên, đặc thù của gỗ trồng trong nước là những loài gỗ nhỏ, cần công nghệ chế biến về biến tính gỗ, uốn, xẻ, những công tác về chế biến sâu để nâng cao giá trị, gia tăng xuất khẩu.
Động lực phát triển ngành lâm nghiệp trong bối cảnh mới
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, thế giới đang lo lắng về việc diện tích rừng ngày càng giảm, bình quân độ che phủ rừng toàn cầu khoảng 20%. Khi dân số tăng nhanh, kéo theo yêu cầu phải tăng sản lượng lương thực, thực phẩm thì vấn đề “làm sao tăng sản lượng lương thực mà không phải phá rừng” là trăn trở của rất nhiều quốc gia.
Trong khi đó, tại Việt Nam, độ che phủ rừng từ năm 1990 đến nay vẫn liên tục tăng, hiện đạt 42%. Sản lượng lương thực, thực phẩm cũng tăng qua các năm, đáp ứng đủ cho nhân dân. Đây là điều ngành lâm nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào.
Ông nhấn mạnh, ngành lâm nghiệp nước ta đã trở thành một ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, đem lại thu nhập cho người trồng rừng, cho những người tham gia vào các ngành chế biến kinh doanh lâm sản.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, để đạt được các thành tựu trên với một ngành có 20 triệu người tham gia (có gần 20 triệu đồng bào Việt Nam sống trong và gần rừng), chúng ta không thể “cầm tay chỉ việc” từng người mà phải dùng các đòn bẩy, động lực để điều chỉnh.
Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, động lực chủ yếu đến từ sự hỗ trợ và can thiệp của Nhà nước trong việc chỉ đạo, đầu tư vốn, bảo vệ rừng và trồng rừng. Đến giai đoạn hiện nay, động lực chính đến từ thị trường, với động lực khoa học công nghệ tiếp sức. Đặc biệt, trong ngành chế biến lâm sản, các doanh nghiệp đã rất năng động, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới.
“Hiện chúng ta không còn đất để mở rộng diện tích rừng. Như vậy chỉ còn con đường tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng. Chúng ta đã tập trung cao cho hướng tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng thông qua chế biến và vẫn có một dư địa bằng cách khai thác các giá trị từ gỗ, từ lâm sản và từ môi trường rừng, đặc biệt là tăng giá trị gia tăng. Tôi nghĩ ngành lâm nghiệp nên đi theo hướng này”, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói.
Theo ông, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững” đã đi rất đúng hướng. Với xu hướng thời đại hiện nay, trong lâm sinh cần chú trọng vào công nghệ gen, công nghệ viễn thám; trong quản lý, chế biến, thương mại là công nghệ số. Ông bày tỏ kỳ vọng, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ là nơi tiên phong nắm bắt, ứng dụng, phổ biến công nghệ chỉnh sửa gen.
PGS.TS Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững” là sự kiện lớn của ngành lâm nghiệp, đặc biệt ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28.11 và 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp.
“60 năm là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nhà trường, đánh dấu quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp nước nhà. Trải qua 6 thập kỷ, Trường Đại học Lâm nghiệp đã từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực lâm nghiệp”, PGS.TS Phùng Văn Khoa cho hay.
Theo ông, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận những giải pháp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sản xuất lâm nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, bảo tồn các giá trị sinh thái và môi trường, đóng góp trực tiếp cho chiến lược phát triển của ngành lâm nghiệp và của đất nước.
PGS.TS Phùng Văn Khoa cho rằng trong bối cảnh hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, viễn thám, công nghệ địa tin học đang mở ra những hướng đi mới cho ngành lâm nghiệp. Nhờ những tiến bộ này, chúng ta có thể giám sát tài nguyên rừng một cách chính xác; quản lý, khai thác hợp lý; đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả trong quá trình phục hồi và làm rộng rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, tối ưu hóa quy trình sản xuất, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Nhiều ý tưởng sáng tạo, giải pháp thiết thực
Trên tinh thần hợp tác và chia sẻ, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu từ nhiều lĩnh vực, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững” đã mang lại nhiều ý tưởng sáng tạo và các giải pháp thiết thực.
PGS.TS Lý Tuấn Trường, Viện Công nghiệp gỗ và Nội thất, Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản tại Việt Nam, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản về chi phí, nhân lực và hạ tầng.
Các giải pháp cụ thể bao gồm: hỗ trợ tài chính và chính sách từ Nhà nước, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng hệ thống quản lý thông minh, tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi công nghệ, nâng cao nhận thức và tạo động lực đổi mới công nghệ.
Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giải pháp chuyển đổi số ngành lâm nghiệp trong thời gian tới gồm đầu tư vào hạ tầng công nghệ/hạ tầng kỹ thuật số thông qua việc xây dựng hệ thống thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu thiết lập và phát triển cơ sở dữ liệu tập trung về lâm nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện (kho dữ liệu) về lâm nghiệp để lưu trữ, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, phát triển các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng và các lĩnh vực đặc thù của ngành. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực và kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng về công nghệ số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lâm nghiệp các cấp. Thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng, thống nhất về quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong quá trình triển khai.
Các chuyên gia đánh giá, các ý tưởng sáng tạo và giải pháp thiết thực được đề xuất tại Hội thảo sẽ là động lực để ngành lâm nghiệp Việt Nam vươn lên, phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, xứng đáng với tầm vóc và vai trò của ngành trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.