Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, CPI bình quân 9 tháng đầu năm mới tăng 2,73% so cùng kỳ năm trước, giúp mục tiêu cả năm dưới 4% chắc chắn sẽ đạt được (dự kiến quanh mức 3,2-3,3%). Thành tích này có được, phải khẳng định nhờ nỗ lực điều hành bình ổn giá của Chính phủ, trong đó có vai trò đáng kể của NHNN trong việc điều tiết cung tiền, cố gắng giữ ổn định tỷ giá giúp giảm thiểu nhập khẩu lạm phát.
“Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, kinh tế Việt Nam có thể bị “trễ nhịp” nhất định so với kinh tế thế giới khi nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển đã bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Khi các quốc gia đối mặt với áp lực lạm phát tăng vọt thì ở ta “phí đẩy” còn đang chờ “cầu kéo”. Thêm nữa, trong số những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá ở Việt Nam còn khá lớn, chiếm tới khoảng 25% giỏ hàng hóa tính CPI, giúp làm giảm nhẹ mức độ tăng của mặt bằng giá nói chung” - ông Đồng nói.
Bởi vậy, khi thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế thì mức tăng trưởng 2023 sẽ chậm trở lại là điều dễ hiểu (khả năng chỉ đạt mức 6-6,2%), trong khi áp lực lạm phát trong 2023 sẽ được bộc lộ đầy đủ hơn, có thể thách thức ngưỡng mục tiêu mới 4.5%. Lý do lạm phát tăng bởi cầu tiêu dùng đã hồi phục mạnh mẽ giúp chi phí sản xuất tăng, được phản ánh đủ vào giá bán hàng hóa dịch vụ; tỷ giá tăng mạnh mới đây sẽ khiến yếu tố lạm phát nhập khẩu thành nặng nề; lộ trình thị trường hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục; tăng lương cơ sở, tác động trễ của các gói hỗ trợ kinh tế và cuối cùng là bởi kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Về chủ trương neo tỷ giá để giúp neo kỳ vọng và kiểm soát lạm phát của NHNN, đại biểu cho rằng với những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, chính sách neo tỷ giá để giúp neo kỳ vọng và kiểm soát lạm phát đã được kiểm chứng một cách vững chắc là khá hiệu quả. Đặc biệt khi cấu trúc kinh tế Việt Nam, khu vực trong nước còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị từ bên ngoài, thì chính sách này thực sự hỗ trợ tích cực cho các nhà nhập khẩu nội địa. Giảm thiểu gánh nặng nợ nước ngoài của quốc gia (gồm của Chính phủ và của khu vực doanh nghiệp).
“Khi quy đổi ra VND cũng dễ dàng nhận thấy (quy mô vay nợ của ta hiện trên dưới 140 tỷ USD, nếu tỉ giá năm 2022 phải tăng ở mức 2 con số như đa số các bản tệ khác trên thế giới, thì dễ nhẩm tính ra gánh nợ sẽ tăng thêm là hàng trăm nghìn tỷ đồng nữa). Tất nhiên, với khu vực xuất khẩu (mà ở Việt Nam nặng về gia công lắp ráp và phần lớn thuộc FDI) thì có lẽ không được… vui,” đại biểu Đồng phát biểu.
Và như thông lệ quốc tế cho thấy, đa số các nước đều phải lựa chọn tăng lãi suất nội tệ như một phương cách căn bản để bảo vệ đồng bản tệ của mình.
Điều này đưa đến nhận định quan trọng: Khi tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước phải chịu tác động tiêu cực nặng nề từ các cú sốc ngoại (đồng USD tăng giá mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED), để theo đuổi mục tiêu neo tỷ giá, chúng ta phải hy sinh mục tiêu lãi suất.
Như vậy, mục tiêu giảm lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có vẻ bị “nặng” về ý chí chính trị, đi ngược xu hướng, nên sẽ khó khả thi (nhanh nhất phải sang nửa sau 2023, khi thị trường tài chính quốc tế lắng dịu trở lại, kéo theo TTTC-TT trong nước tái ổn định, mới có thể có cơ hội làm việc này).