Đại biểu hoàn toàn nhất trí, ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo. Cụ thể, tại điểm b, Mục 3 trong Điều 11, Những việc không được làm có quy định: Tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
![ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường sáng 20.11. Ảnh: Q.H 1111.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/f5e49ffd2adaf280f7899187ff31b8cc7dfbc1a03d98b06638e1876c84d21063/1111.jpg)
Theo đại biểu, nội dung quy định này không hề vướng các quy định về thông tin phát ngôn hay có bất cứ yếu tố “bênh vực” nào cho nhà giáo. Điều này sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo nói chung, tránh tình trạng “vài con sâu làm rầu nồi canh”. Ngoài ra, nội dung quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay.
Nhà giáo nếu có sai phạm thì đã có các chế tài xử lý theo quy định, nhưng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nhất là khi nhà giáo trực tiếp đứng lớp, trực tiếp có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý của người học. Vì vậy, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là hàng triệu tương lai của đất nước.
Đối với quy định về công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu đề xuất rà soát quy định tại các điều/khoản khác để làm đậm nét hơn các quy định về đạo đức nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo. Trong đó, bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác. Đồng thời làm rõ, cụ thể các chế tài để xử lý vi phạm đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Tại Điều 34 của Dự thảo Luật quy định về bồi dưỡng nhà giáo, tuy nhiên theo đại biểu Dự thảo mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hoặc năng lực quản lý mà chưa có nội dung về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức, hành vi cho nhà giáo.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo, đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính vào Điều 26 chính sách hỗ trợ nhà giáo hoặc Điều 27 chính sách thu hút nhà giáo.