Bảo đảm chủ động trong vận hành
Phát biểu tại thảo luận tại Tổ 1, ĐBQH Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Theo đại biểu, quá trình thực hiện cần tập trung triển khai hiệu quả từng phân đoạn, trước mắt là từ ga đầu mối Ngọc Hồi của Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mới tính đến phương án kết nối các ga. Đồng thời, dự án cần chú trọng chuyển giao công nghệ khi triển khai để chủ động trong vận hành sau này.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Phi Thường, đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay, tổng mức đầu tư lớn (lớn hơn 5 lần so với dự án lớn nhất từ trước đến nay là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Mang tính biểu tượng, động lực phát triển của đất nước, dự án triển khai tốt sẽ phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng lưu ý, cần đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ của dự án. Theo đại biểu, với kinh nghiệm triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rất nhiều tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt đô thị, mỗi một dự án sử dụng công nghệ khác nhau. Điển hình như định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật duy tu, duy trì, khai thác, vận hành vẫn chưa có quy định chung; việc chuyển giao công nghệ mới chỉ dừng ở đào tạo, chuyển giao vận hành tuyến, các trang thiết bị phục vụ khai thác, vận hành hầu hết nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước; trường hợp phải thay thế lại phụ thuộc vào nhà sản xuất cung cấp ở nước ngoài...
Khẳng định đây là thời điểm hết sức chín muồi để triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, song ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cũng nhấn mạnh, quá trình thực hiện cần có chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất. “Những chính sách đặc thù, đặc biệt trong thời gian Quốc hội không họp thì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định là phù hợp vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan làm việc thường xuyên. Do đó, chỉ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nội dung trong trường hợp Quốc hội không họp là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy kiến nghị.
Tạo động lực mở ra không gian phát triển mới
ĐBQH Hoàng Văn Cường kỳ vọng, dự án sẽ tháo gỡ "nút thắt", "điểm nghẽn" về giao thông, logistic; tạo sự kết nối xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Á. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với đề xuất của Chính phủ khi tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách, còn hàng hóa chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó, hệ thống đường sắt cũ (khổ 1m) nên không thể liên thông với hệ thống đường sắt quốc tế (1,43m). "Đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ đây là tuyến đường sắt lưỡng dụng, vừa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa để liên thông quốc tế", ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất.
Về phương thức đầu tư, đại biểu cho rằng, rút kinh nghiệm quá trình đầu tư tại 3 tuyến đường sắt đô thị (Hà Nội có 2 tuyến, thành phố Hồ Chí Minh có 1 tuyến) đều kéo dài chục năm chưa hoàn thành, trong khi đó đường dây 500kV mạch 3 đã thi công trong thời gian rất ngắn. “Bí quyết là chúng ta đã làm chủ công nghệ, chúng ta là nhà đầu tư, là nhà thầu. Chúng ta không quan trọng là công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta thì mới bảo đảm thời gian hoàn thành. Nếu tiếp tục mua dự án, sau khi hoàn thành sẽ lệ thuộc vào thiết bị, quá trình vận hành, sửa chữa. Như vậy, trở thành món nợ cho tất cả giai đoạn sau”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu cũng phân tích, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào thị phần đường sắt. Theo tính toán, thị phần đường sắt của Việt Nam khoảng 150 tỷ đô la Mỹ, có đủ khả năng chuyển giao công nghệ, do đó đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội quy định theo hướng: đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và phải làm chủ trong quá trình đầu tư. Từ đó, sẽ làm chủ trong việc đầu tư hệ thống đường sắt khác mà không cần mua sản phẩm sẵn có bởi mua sản phẩm sẵn có rẻ hơn, chuyển giao công nghệ đắt hơn, nhưng đắt một lần sẽ mãi bền vững về sau.
Cũng tại thảo luận Tổ 1, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án đặc biệt, đặc thù này về mục tiêu, ý nghĩa, vai trò của đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thống nhất thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Tám. Một số đại biểu cũng lưu ý không nên so sánh tuyến đường sắt này với tuyến đường sắt hiện hữu và đường hàng không, mà cần phát triển song song, có vai trò kết nối địa bàn không có hàng không nhưng đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh như hàng không.