ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh toàn vẹn là tốt nhất
Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11 được Quốc hội Khóa XI ban hành năm 2004 đã đặt ra yêu cầu thông tuyến dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2010, tức là cách đây 12 năm. Đến nhiệm kỳ Khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2020. Nhưng đến nay là năm 2022 vẫn chưa hoàn thành, còn 171km nữa nằm ở 3 dự án thành phần và còn thiếu gần 11 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư gồm: Đoạn 1 Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ mới - Ngã ba Trung Sơn; Đoạn 2 Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoàn Hùng - Chợ Bến); Đoạn 3 Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Qua báo cáo thẩm tra, ba dự án này hiện nay theo Tờ trình của Chính phủ xin làm đoạn 1 và 3 với tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng, đoạn 1 khoảng 1.174 tỷ đồng, đoạn 3 khoảng 3.796 tỷ đồng.
Trong Báo cáo thẩm tra cũng nêu, riêng đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, Chính phủ chủ động đề nghị tận dụng lại Quốc lộ 21 để đi vòng, nhưng với tinh thần Nghị quyết số 66/2013/QH13 thì đó lại không phải là đường Hồ Chí Minh. Nếu chúng ta vẫn không hoàn thành đoạn này thì cũng không thể gọi là đã thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, mặc dù đã có thể sử dụng nhưng thực chất lại là một đường khác, quốc lộ khác. Đây là vấn đề Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nêu ra và yêu cầu Chính phủ làm rõ.
Chúng ta có gói kích thích kinh tế quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong đó có 1 gói là 113,55 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng. Nhân đây cần xem xét rõ dự trù chi tiêu số này như thế nào, cho dự án nào. Chính phủ mới chỉ nêu sẽ làm 4 dự án thành phần, khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào cuối năm nay, nhưng mới khởi công thì có giải ngân được một số tiền đáng kể không? Bản chất gói này dùng để kích cầu, chi trong năm 2022 và 2023 thì mới có ý nghĩa. Và riêng gói này mục đích là để tăng tỷ trọng GDP đồng thời kích cầu, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu có thể xem xét lấy vốn từ gói 113,55 nghìn tỷ đồng này để hoàn thành được dự án đường Hồ Chí Minh toàn vẹn là tốt nhất vì phù hợp với ý nghĩa kinh tế, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết nối 28 tỉnh, thành phố và ý nghĩa chính trị thì rất lớn.
Về cơ cấu phát triển bền vững, trong báo cáo thẩm tra cũng đề nghị bổ sung báo cáo về xã hội. Đặc thù của dự án là đi qua rất nhiều vùng của đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta có hẳn Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua các vùng đồng bào thiểu số thì liệu có phải đánh giá bao nhiêu hộ bị mất đất, có những gia đình đang có kế sinh nhai nhưng do bị mất đất nên sẽ bị ảnh hưởng, giảm thu nhập như thế nào?
Bên cạnh đó là đánh giá về môi trường và biến đổi khí hậu. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nêu rõ tại Điều 28 về các dự án đầu tư là bắt buộc phải đánh giá, và dự án đường Hồ Chí Minh cũng là dự án lớn. Phải giám sát việc thực hiện dự án như thế nào, nhất là khi dự án đi qua các khu rừng đặc dụng, các khu di sản. Do đó, nên có báo cáo về đánh giá tác động của dự án đường Hồ Chí Minh ở góc độ xã hội, môi trường vì nếu đánh giá được điều này còn có tác dụng phục vụ, làm kinh nghiệm cho những dự án khác như dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội):
Tại sao không thu hút được đầu tư theo phương thức đối tác công tư?
Dự án đường Hồ Chí Minh là tuyến đường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Tuyến đường gắn liền với lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, là biểu tượng của tinh thần dân tộc, ý chí dân tộc.
Vì thế, Đảng, Nhà nước ta quyết tâm xây dựng, thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dự án này thực hiện còn chậm, chưa hoàn thành theo yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, có nguyên nhân về thể chế, chính sách huy động nguồn lực trong phát triển hạ tầng giao thông. Nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là giao thông. Chúng ta rất cần huy động nguồn lực của xã hội, nguồn lực của tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển. Đây là vấn đề cốt lõi, chừng nào chưa giải quyết được bài toán này, thì chừng đó giao thông vẫn tụt hậu và chi phí logistics vẫn cao.
Tới đây, vì không thể huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào dự án đường Hồ Chí Minh, tôi đề nghị cần thiết phải dùng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án thành phần còn lại, nhằm sớm thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Nhưng quan trọng, thông qua dự án này, chúng ta cũng phải rút ra bài học về thu hút đầu tư PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công - tư) trong phát triển hạ tầng giao thông. Vì sao chưa thu hút được đầu tư PPP đối với các công trình giao thông lớn, trọng điểm của đất nước?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương):
Làm rõ vì sao chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công
Hiện nay, số kilomet còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 172km. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4, Điều 2 của Nghị quyết số 66 và chưa rõ thời gian kết thúc. Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm trễ triển khai Nghị quyết số 66 của Quốc hội. Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn lý do vì sao chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công với các dự án thành phần còn lại. Tôi được biết, những dự án thành phần còn lại nằm trên khu vực khó khăn, lưu lượng giao thông hạn chế. Trong khi đó, Nghị quyết 66 nêu rõ yêu cầu là tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Hiện nay có 3 dự án thành phần (gồm đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận) trùng với các tuyến hiện nay, ví dụ đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến trùng với Quốc lộ 32, Quốc lộ 21… Qua khảo sát cho thấy, tới thời điểm này, lưu lượng giao thông của đoạn này đã rất cao rồi. Nếu “tích hợp” thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào các đoạn này nữa thì lưu lượng giao thông sẽ thế nào?
Một số đoạn đường Hồ Chí Minh đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề chúng ta có đầu tư nâng cấp tuyến đường này trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 66 là 2 làn xe hay không?
Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung nguồn vốn khoảng 4.450 tỷ đồng để cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025. Tuy nhiên, Chính phủ chưa làm rõ dự toán này được tính trên cơ sở nào. Tính theo giá vật liệu xây dựng tại thời điểm này hay tại thời điểm đó? Đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này, tránh việc điều chỉnh vốn đầu tư để triển khai hai dự án.