Theo báo cáo của Ban tổ chức về hoạt động KHCN của các trường ĐH, CĐ khối kỹ thuật, công nghệ và khoa học tự nhiên, trong 5 năm 2006 - 2010, các trường khối khoa học tự nhiên - kỹ thuật được giao thực hiện 21 nhiệm vụ thuộc các chương trình KHCN cấp Nhà nước với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng và 11 đề tài độc lập cấp Nhà nước với tổng kinh phí 14,25 tỷ đồng. Số lượng nhiệm vụ cấp Nhà nước và kinh phí thực hiện tăng dần qua các năm, thể hiện năng lực nghiên cứu của cán bộ và của các trường ngày càng được nâng cao. Các đề tài nói trên đã tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của đất nước cũng như của từng ngành kinh tế. Đặc biệt, các đề tài đã gắn với việc đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học, nhất là đào tạo tiến sỹ.
Cũng trong 5 năm qua, các trường đã được Bộ GD - ĐT giao thực hiện 127 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trọng điểm với tổng kinh phí 36,5 tỷ đồng và 1.026 đề tài cấp Bộ với tổng kinh phí 66,67 tỷ đồng. Hệ thống đề tài trọng điểm cấp Bộ có chất lượng ngày càng cao, góp phần giải quyết những vấn đề của khoa học và thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài các đề tài cấp Bộ do Bộ GD - ĐT giao nhiệm vụ, các trường còn thực hiện các đề tài cấp Bộ do các Bộ khác chủ trì. Tại cấp cơ sở, trong giai đoạn 2006 - 2010, các trường đã thực hiện 2.569 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường với tổng kinh phí là trên 14,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức kinh phí cho các đề tài cấp trườâng là khác nhau và nói chung là thấp, trung bình chưa đến 6 triệu cho một đề tài. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng có những kết quả đáng ghi nhận...
Mặc dù đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, nhưng báo cáo cũng cho rằng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH nói chung và các trường thuộc khối khoa học tự nhiên - kỹ thuật chưa tương xứng với khả năng, tiềm năng của mình và chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội. Đây vấn đề tồn tại đã nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục và cải thiện. Cụ thể, tính hiệu quả của một số nghiên cứu gắn với nhu cầu KT- XH vẫn còn thấp. Nhiều đề tài không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn; hoặc nếu có thì các kết quả cũng chưa có khả năng triển khai ứng dụng ngay. Bên cạnh đó, trình độ khoa học và giá trị của các đề tài nghiên cứu chưa cao, hiệu quả đầu tư nghiên cứu còn thấp. Điều này dẫn đến lãng phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, và cũng dẫn đến thực tế là các cơ sở sản xuất thường có xu hướng tìm đến các công nghệ nhập ngoại hơn là tìm đến các nhà nghiên cứu trong nước và sử dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu được phát triển trong nước. Nghiên cứu khoa học đối với khối kỹ thuật công nghệ và khoa học tự nhiên thường đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên thực tế hiện nay là các đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được quan tâm đầy đủ. Hơn nữa, các đầu tư trình độ cao lại không đi kèm với nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể, do đó không phát huy được năng lực, thiết bị, gây lãng phí đầu tư.
Trước thực trạng trên, để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động KHCN trong các trường ĐH, CĐ trong 5 năm tới, nhiều đại biểu cho rằng cần tập trung vào nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực chuyên môn là thế mạnh của từng trường. Cụ thể, các trường ĐH, CĐ cần có kế hoạch, định hướng nghiên cứu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đổi mới quản lý KHCN nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Quang Quý cho biết, thời gian tới sẽ tăng nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung đầu tư một cách trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và kiên quyết chỉ đầu tư cho những dự án tốt. Bên cạnh đó, các trường cần chú trọng tiến hành đổi mới quản lý về hoạt động KHCN, tăng cường quan hệ với các địa phương, doanh nghiệp để tập trung nghiên cứu những vấn đề mà các địa phương và doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời, tăng cường liên kết với các trường trong và ngoài khối ngành, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp theo hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm.