Thuận lợi chỉ đến khi năm bắt được cơ hội
Trong quá trình đàm phán TPP, các vấn đề liên quan đến KHCN được bàn thảo nhiều nhất là sở hữu trí tuệ (SHTT), chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm hàng hóa, trong đó vướng mắc nhất là sở hữu trí tuệ. Yêu cầu của TPP là phải xử lý hình sự vi phạm liên quan đến SHTT. Pháp luật Việt Nam mới quy định xử phạt vi phạm hành chính, chưa có quy định xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm SHTT, nhưng khi đàm phán TPP thì các đối tác yêu cầu phải hình sự hóa các hành vi này. Nằm trong các quy định SHTT còn có 2 vấn đề nổi lên là bảo hộ với dược phẩm và nông hóa phẩm. Việt Nam là nước nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân | Ảnh: Duy Thông |
Cùng với đó, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được bảo hộ. Doanh nghiệp từ đó yên tâm kinh doanh. Mặt khác, trong tiêu chuẩn chất lượng cũng có thuận lợi tương tự. Hiện tại, bên cạnh hàng rào thuế quan, các nước đều dựng các hàng rào kỹ thuật. Đối với TPP, có cơ chế thỏa thuận về sự công nhận các kết quả xét nghiệm, kiểm nghiệm các tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thành viên. Cho nên, khi hàng hóa Việt Nam đã được đóng dấu kiểm nghiệm của một cơ quan chính thức được công nhận của Việt Nam thì không phải kiểm nghiệm lại tại các quốc gia thành viên khác, tạo điều kiện thông quan thuận lợi, rút ngắn thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, các thỏa thuận về lao động, đào tạo cũng như cơ hội thu hút đầu tư sẽ cho chúng kỳ vọng về sự lan tỏa công nghệ cao, lao động trình độ cao cho nền kinh tế…
Khó khăn cũng lắm, gian nan cũng nhiều
Chương Sở hữu trí tuệ (IP) trong TPP điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT, và việc thực thi các quyền về SHTT, cũng như các lĩnh vực mà các thành viên đồng ý hợp tác. Chương này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tìm kiếm, đăng ký và bảo vệ quyền SHTT ở các thị trường mới. |
Liên quan đến SHTT, hiện nay, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam vẫn còn yếu bởi năng lực và kinh nghiệm bộ máy còn chưa phù hợp. Khi xảy ra tranh chấp, chúng ta chưa có tòa án chuyên ngành về SHTT. Theo yêu cầu của TPP, phải xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về SHTT. Trong khi thực tế chúng ta mới chỉ xử lý hành chính các vụ việc liên quan.Tòa án dân sự cũng không có thẩm phán về SHTT nên khi đưa các tranh chấp sở hữu trí tuệ ra tòa, chúng ta cũng chưa giải quyết được. Chưa kể, chưa có các tổ chức giám định về SHTT chuyên nghiệp để tòa án có thể có căn cứ để phán quyết. Do vậy, khâu thực thi quyền SHTT vẫn là lo ngại lớn nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực sẽ khiến các tranh chấp SHTT bùng nổ. Tới lúc đó, nếu chúng ta ko có hệ thống thực thi quyền đầy đủ sẽ không giải quyết được, rất có thể bị những chế tài của TPP khiến chúng ta phải chịu những thua thiệt trước các doanh nghiệp nước ngoài.
Nguồn: ITN |
Để đáp ứng các yêu cầu của TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật vì nhiều quy định của luật hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu rất cao của TPP. Trong lĩnh vực KHCN, sẽ phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng hàng hóa, sản phẩm; Luật Chuyển giao công nghệ... Cùng với đó, phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ tội danh liên quan đến sở hữu trí tuệ và khung hình phạt với nội dung này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn cho rằng, đã đến lúc không thể che dấu những yếu kém của chúng ta trong vấn đề SHTT. Các chế tài của TPP rất chặt chẽ. Nếu chúng ta vi phạm, ngoài các doanh nghiệp cạnh tranh kiện cáo lẫn nhau, các quốc gia có thể bị đưa ra tòa án bản quyền của TPP. Khi tòa án phán quyết, các quốc gia đều phải tuân thủ. Do đó chúng ta không thể cứ tiếp tục vi phạm SHTT như trước đây. Chúng ta phải nỗ lực để hạn chế tối đa tranh chấp có thể xảy ra, vừa để bảo vệ doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ những quy định đã cam kết với TPP. Về phía quản lý nhà nước, Bộ KHCN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới về TPP cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tài sản trí tuệ đang có. Đồng thời, khẩn trương đào tạo đội ngũ giám định viên về SHTT và thẩm phán về SHTT để có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc xử lý các tranh chấp về SHTT tại tòa án.
Vị tư lệnh ngành KHCN cũng khuyên các doanh nghiệp nếu có tài sản trí tuệ thì phải đăng ký để được bảo hộ trong toàn khối TPP ngay lập tức như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý… Đồng thời, phải nhanh chóng đổi mới công nghệ. Mà để làm được, doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho KHCN, nhất là nghiên cứu ứng dụng trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà nước bên cạnh nguồn lực của chính mình. Thứ nữa, doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực và thông tin thị trường. Không thể có công nghệ tốt nếu như không có nhân lực tốt. Phải nắm được thông tin thị trường sân nhà lẫn sân khách, thông tin đối thủ, đối tác để đưa ra các chiến lược phát triển và cạnh tranh thích hợp.