Hoàn thiện sản phẩm khoa học công nghệ chính là tạo ra của cải vật chất
Khẳng định rằng, mục đích cuối cùng của mọi hoạt động của con người đều là phục vụ xã hội, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Dương Ngọc Hải cho rằng, trong nghiên cứu khoa học thường chia làm hai nội dung: thứ nhất là nghiên cứu kiến thức, tri thức, nhận thức về thế giới xung quanh chúng ta, thế giới tự nhiên cũng như thế giới xã hội, vấn đề là để tìm ra những quy luật. Thứ hai, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ đời sống con người. Mặc dù việc nghiên cứu khoa học chia hai nội dung như vậy nhưng không có nghĩa hai vấn đề này không liên quan đến nhau, vì khi nắm bắt được những quy luật, có được những hiểu biết về thế giới thì chúng ta cũng đưa ra cách hành xử bằng cách vận hành đúng quy luật vận hành để tạo nên sức mạnh của xã hội gọi là kết quả của nghiên cứu khoa học.
Khi kết quả nghiên cứu khoa học có được từ hai nội dung trên, để đi đến phục vụ đời sống con người thì cần phải tiến hành thương mại hóa tài sản trí tuệ này. Như vậy có thể xem việc hoàn thiện sản phẩm khoa học công nghệ chính là tạo ra của cải vật chất đời sống cho con người. Bởi xuất phát từ thương mại hóa tài sản trí tuệ là động lực tạo điều kiện thúc đẩy hoàn thiện sản phẩm khoa học công nghệ thành một sản phẩm thương mại. Đồng thời tương tác với xã hội tạo nên sự phát triển kinh tế cũng như của toàn xã hội. Với sự tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ thì sẽ tạo ra nguồn thu của cải vật chất, trước hết là cho xã hội, sau đấy là cho cơ quan, trong đó có các trường đại học, các viện nghiên cứu… cùng với đó là tăng thu nhập cho các nhà khoa học. “Tất nhiên việc nghiên cứu khoa học tự nó đã động viên các nhà khoa học, với những kết quả, những định lý chứng minh thì người ta cảm thấy rất hạnh phúc, phấn khởi. Nhưng nếu tạo ra sản phẩm vật chất thì đấy là khía cạnh động viên rất lớn đối với hoạt động nghiên cứu trí tuệ, nhà khoa học cảm nhận một cách vật chất về những thành quả lao động của mình”, ông Hải khẳng định.
Ảnh minh họa | Nguồn: ITN |
Có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
Hiện nay trên thế giới nói chung, việc thương mại hóa sản phẩm trí tuệ đang được các quốc gia cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể là việc rút ngắn khoảng cách thời gian từ nghiên cứu có được công nghệ rồi cho ra sản phẩm cứ thu hẹp dần từ 10 năm đến 5 năm rồi 3 năm và bây giờ có thể trong vòng 1 năm từ kết quả nghiên cứu cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm khoa học công nghệ đó chỉ ra đời trong một môi trường xã hội thuận lợi, ông Hải lưu ý.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam việc thương mại hóa sản phẩm trí tuệ so với các nước khác đang còn có những khó khăn. Trước hết, phải nói đến cơ chế chính sách. Vì cơ chế chính sách là môi trường chung, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động xã hội, nên có tác động rất lớn. Xét về cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho thương mại hóa sản phẩm trí tuệ hiện nay bao gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm, đề tài dự án, xây dựng hệ thống như thế nào cho phù hợp, vận hành tốt, trong đó có cả cơ chế tài chính của các đề tài, dự án, cơ chế từ cấp phát, cơ chế thanh toán và nghiệm thu, cơ chế cho cơ sở ươm tạo công nghệ… làm sao để công nghệ ra đời thì phải “sống” được phục vụ con người.
Muốn làm được việc này thì công việc ươm tạo công nghệ để đưa công nghệ thành sản phẩm phải có sự động viên, khuyến khích của xã hội cũng như tạo cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp về khoa học công nghệ. Bởi tất cả các nước trên thế giới đều tạo điều kiện cho việc ươm tạo công nghệ bằng các khóa học. Ở giai đoạn này doanh nghiệp nằm giữa các đơn vị nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và thị trường. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù cho giai đoạn này.