Trong cơ chế thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc đăng ký sáng chế là việc làm rất cần thiết, bởi lẽ quyền sở hữu đối với sáng chế chỉ được xác lập theo thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu sáng chế đã đăng ký được pháp luật bảo hộ, bảo đảm độc quyền khai thác sáng chế nhằm mục đích thương mại trong thời gian nhất định, ví dụ: 20 năm đối với Bằng độc quyền sáng chế hoặc 10 năm đối với Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Bằng việc khai thác và sử dụng độc quyền sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có thể được bù đắp các đầu tư về vật chất, trí tuệ và được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành quả sáng tạo của mình. Trong thời gian bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào khai thác sáng chế mà không được phép của chủ sở hữu, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm sáng chế đã được bảo hộ của mình. Văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế là chứng cứ duy nhất để chứng minh quyền sở hữu độc quyền của chủ sở hữu mà không cần chứng cứ khác.
Việc đăng ký sáng chế có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nhưng đúng là ở nước ta, vấn đề này còn khá “khiêm tốn”. Thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đăng ký sáng chế, chưa coi sở hữu trí tuệ cũng là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình, chưa bố trí nguồn nhân lực đủ mạnh chăm lo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; chưa có ý thức phòng ngừa, ngăn chặn xử lý hàng giả sản phẩm của mình; nhiều doanh nghiệp chưa coi trong đăng ký sáng chế ở nước ngoài, nên bị thua thiệt ngay trên sân nhà... Vì vậy, nhiều chuyên gia phải lên tiếng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thờ ơ với hội nhập.
Việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa quan tâm đăng ký sáng chế theo tôi có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ, Luật KHCN cho các tầng lớp nhân dân nói chung, các doanh nghiệp và cá nhân những nhà sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả. Các tổ chức, cá nhân chưa hiểu được quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia đăng ký sáng chế. Thứ hai, quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn hạn chế, ví dụ như quyền sở hữu đối với cá nhân tham gia nghiên cứu đề tài cấp nhà nước; hay như việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ mới tập trung ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà chưa coi trọng quy trình tố tụng tại tòa, làm cho nhiều doanh nghiệp cũng thấy nản khi thực hiện đăng ký sáng chế…
Theo tôi, thời gian tới, chúng ta phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định khuyến khích hoạt động phát minh, sáng chế không còn phù hợp; ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm động viên, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tự do nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mang tính toàn cầu, hướng đến các mục tiêu thiên niên kỷ, hướng đến phục vụ cho nhân loại, chứ không phải chỉ những vấn đề của Bộ, ngành, địa phương. Về mặt đối ngoại, cần tổ chức hoặc hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, chia sẻ thông tin, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sáng chế, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà sáng chế không chuyên có cơ hội gặp gỡ, hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của nhau…
Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh