Vi phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp
- Thời gian qua, chúng ta có nhiều nỗ lực song tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn diễn ra nhức nhối, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Trong những năm qua, dưới sự nỗ lực của Chính phủ, Nhà nước, việc thực thi quyền SHTT được quan tâm ở nhiều góc độ khác nhau. Để thực thi quyền bảo hộ SHTT, pháp luật hiện hành quy định đầy đủ các biện pháp dân sự, biện pháp xử phạt hành chính và cả biện pháp hình sự. Những biện pháp này đang hỗ trợ đắc lực để bảo đảm quyền SHTT.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng vi phạm quyền SHTT | Ảnh: Tự Cường |
Là một trong những cơ quan thực thi quyền SHTT, thời gian qua, Bộ KHCN luôn nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình. Chúng tôi coi việc thực thi quyền SHTT không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế, mà là yêu cầu xuất phát từ đòi hỏi nội tại của đất nước, nhằm thúc đẩy đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đưa ra các sản phẩm mới, có hàm lượng trí tuệ cao. Đây cũng là nỗ lực nhằm thay đổi thói quen nhận thức trong xã hội để chúng ta có thể phát huy nguồn lực trí tuệ cho phát triển bền vững.
Hằng năm, Thanh tra Bộ KHCN mở từ 50 - 60 cuộc thanh tra, xử lý nhiều cơ sở vi phạm về SHTT. Trong năm 2015, chúng tôi đã tiến hành 54 cuộc thanh tra, qua đó xử lý 40 cơ sở vi phạm, xử phạt 1,7 tỷ đồng. Đối với hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, năm vừa qua, chúng tôi yêu cầu đơn vị xâm phạm phải tự loại bỏ yếu tố vi phạm trước sự chứng kiến của cơ quan quản lý nhà nước và chủ thể quyền đối với 73 nghìn sản phẩm. Riêng hàng hóa giả mạo thì chúng tôi tịch thu tiêu hủy, xử phạt bằng tiền. Thanh tra Bộ cũng phối hợp với cảnh sát kinh tế để điều tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc xâm phạm SHTT ở quy mô lớn, phức tạp. Có thể thấy rằng, tình trạng vi phạm quyền SHTT tại nước ta diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
- Vậy theo ông, thực trạng vi phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng tinh vi là do chế tài chưa nghiêm hay do quá trình triển khai chưa hiệu quả ?
Ông Trần Minh Dũng: Như tôi đã nói, tùy quy mô, mức độ của các vi phạm, pháp luật chúng ta đã quy định rất nhiều các biện pháp xử lý từ dân sự, xử lý vi phạm hành chính và hình sự. Với các vụ việc vi phạm, bên cạnh xử phạt bằng tiền với mức cao nhất là 500 triệu đồng đối với các vi phạm về SHTT, các cơ quan chức năng còn tiến hành tịch thu hàng hóa để tiêu hủy; yêu cầu khắc phục hậu quả… Đây là các biện pháp đánh vào kinh tế, mang tính răn đe cao đối với những đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Mới đây, Thanh tra Bộ cũng đã chuyển hồ sơ cùng với công an kinh tế để điều tra, xử lý hình sự một cơ sở sản xuất và kinh doanh hơn 1.600 sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Chúng ta đã tham gia nhiều FTA, và đặc biệt tới đây là TPP và vấn đề SHTT luôn được các quốc gia quan tâm. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, thống nhất pháp luật về SHTT theo hướng trả lại bản chất dân sự của SHTT, giải quyết các vụ việc tranh chấp thông qua kênh tòa án. Đồng thời, tiếp tục cảnh báo, tuyên truyền nhằm xử lý tốt hơn vi phạm hàng giả, hàng nhái.
Ảnh: Tự Cường |
Tình trạng vi phạm quyền SHTT thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nổi lên là một số Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn một số bất cập, sơ hở nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, hàng hóa sản xuất trong nước chưa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một bộ phận dân cư ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa khó khăn bị lợi dụng lôi kéo tham gia buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. - Phó Cục trưởng Cục SHTT Phạm Phi Anh. |
Trong quá trình đấu tranh chống nạn hàng giả hàng nhái, các hành vi vi phạm quyền SHTT, sự phối hợp liên ngành là vô cùng quan trọng. Do đó, thời gian qua, Bộ KHCN cùng với 8 Bộ, ngành khác đã ký kết Chương trình 168 để phối hợp tăng cường trao đổi thông tin trong phát hiện, xử lý các sai phạm; phối hợp nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ thực thi chống vi phạm hàng giả, hàng nhái. Sự phối hợp này về cơ bản đã mang lại hiệu quả trong quá trình đấu tranh chống lại các vi phạm về quyền SHTT.
Phải nói rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái là tình trạng chung của tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển. Mặc dù, các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng lượng hàng giả vẫn còn rất lớn, nguyên nhân ở đâu? Nguyên nhân là vì lợi nhuận kếch sù mà việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái mang lại. Do đó, các đối tượng bất chấp tất cả để làm. Mức độ vi phạm của các đối tượng sẽ ngày càng tinh vi hơn để vượt qua tai mắt của cơ quan quản lý, vậy nên các cán bộ thực thi pháp luật phải luôn theo sát, nâng cao năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu xử lý các vi phạm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền, xây dựng thói quen tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong cạnh tranh và đời sống.
Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền SHTT
- Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp, cá nhân đã chú ý đến bảo vệ tài sản trí tuệ của mình hay chưa, thưa Ông?
Ông Trần Minh Dũng: Thực tế, bên cạnh một số ít doanh nghiệp quan tâm đến bảo vệ tài sản quyền SHTT thì đa phần các doanh nghiệp chúng ta vẫn chưa quan tâm đúng mức. Nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao vi phạm về hàng giả, hàng nhái trên thị trường nhiều mà chưa bị phát hiện? Ở đây, cần phải có sự chủ động của doanh nghiệp, tức là các chủ thể quyền trong quá trình bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Theo nguyên tắc, phải có đơn yêu cầu của chủ thể quyền thì các cơ quan chức năng mới có thể xử lý được. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng bắt được các tang vật mà không có yêu cầu của chủ thể quyền thì cũng không được coi là xâm phạm chủ thể quyền. Ngay cả Quản lý thị trường, Công an khi bắt được nhiều vụ nhưng liên hệ với chủ thể quyền nhưng họ thờ ơ, không có sự phối hợp thì cũng khó xử lý.
Do đó, chủ thể quyền cần phải chủ động trong việc phát hiện các hành vi xâm phạm, đấu tranh bảo vệ quyền của mình, liên hệ với các cơ quan chức năng để xử lý. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình bằng cách chủ động đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình và chủ động trong bảo vệ và phối hợp để bảo vệ.