Thiệt đủ đường khi không đăng ký sở hữu trí tuệ
Đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế là điều kiện, công cụ pháp lý quan trọng giúp các nhà sáng chế, doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích đối với sáng chế của mình. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền sáng chế cấp cho cá nhân, tổ chức trong nước còn quá ít so với thực tế số lượng sáng chế trong nước tạo ra. Hoạt động nghiên cứu sáng tạo của các cá nhân, viện, trường, doanh nghiệp chưa gắn liền với hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ như một quy trình bắt buộc cho mục đích thương mại hóa, làm cho các kết quả nghiên cứu, sáng chế trong nước khó tham gia vào thị trường công nghệ.
Sở dĩ tồn tại thực tế trên, theo ông Phạm Hồng Quất, ở đây có hai vấn đề: việc bảo hộ cần phải được tiến hành đối với cả sáng chế trong nước và sáng chế của nước ngoài. Khi hội nhập quốc tế, pháp luật quốc gia phải tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế nước ngoài thì đồng thời phải có biện pháp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế trong nước. Đối với các chủ sở hữu sáng chế nước ngoài, họ có nguồn lực, có các bộ phận chuyên làm công tác sở hữu trí tuệ, thậm chí họ thuê dịch vụ thường xuyên của các tổ chức tư vấn, luật sư đại diện chuyên nghiệp nên công tác bảo hộ kết quả nghiên cứu, sáng chế của họ làm rất tốt. Còn đối với các viện, trường, nhà sáng chế trong nước thì nhận thức cũng như cách thức thực hiện công việc này còn rất nhiều bỡ ngỡ. Ngay cả với các doanh nghiệp trong nước cũng vậy, khi đầu tư nghiên cứu, đặt hàng hoặc mua bán công nghệ cũng chưa quen với sử dụng dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp, có khi chỉ vì tiếc vài triệu đồng phí tư vấn, dịch vụ nhưng lại bỏ cả một tài sản lớn do không đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Có khá nhiều sáng chế, công trình nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức trong nước có tính ứng dụng và đạt hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, hoàn toàn có thể đăng ký sở hữu trí tuệ để tiến hành thương mại hóa sản phẩm trí tuệ đó, nhưng có khi chỉ vì chủ đầu tư không cấp kinh phí cho việc đi đăng ký, hoặc có thể có ý định đi đăng ký sở hữu nhưng lại phân vân vì tiếc mấy triệu đồng đi thuê dịch vụ tư vấn, hoặc có khi lo ngại phải bộc lộ cho người khác nên cuối cùng là chọn cách giữ kín cho riêng mình. Cho đến khi có sản phẩm tương tự của đối thủ, thậm chí của đối tác hoặc sản phẩm do chính mình đưa ra thị trường, làm cho sáng chế bị mất tính mới, lúc đó thì không còn đủ điều kiện để được bảo hộ nữa. Và do không được bảo hộ, người khác hoàn toàn có thể bắt chước để làm ra sản phẩm giống hoặc tương tự, với giá cả rẻ hơn do họ không mất chi phí đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, mua công nghệ ban đầu. Tương tự như vậy, đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp gắn với sản phẩm đó, nếu không được đăng ký bảo hộ cũng sẽ nhanh chóng bị làm hàng giả, hàng nhái ngay khi nó có được vị trí nhất định trên thị trường.
Có quy định nhưng thực thi kém
Giải quyết vấn đề trên, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã có quy định cụ thể là Nhà nước giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước cho các tổ chức chủ trì, chủ yếu là các viện, trường, tổ chức khoa học và công nghệ. Nhà nước cũng giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đó cho tổ chức khác có khả năng khai thác thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Theo đó, tác giả kết quả nghiên cứu, thường là chủ nhiệm đề án và người đóng vai trò chính trong nghiên cứu là người tạo ra công nghệ, sẽ được hưởng 30% thu nhập thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó. Quy định này tạo ra cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo ra sáng chế đi đăng ký sở hữu trí tuệ, còn tổ chức chủ trì được đứng tên chủ văn bằng bảo hộ sáng chế, chủ nhiệm đề án và người đóng vai trò chính trong nghiên cứu sáng tạo sẽ đứng tên tác giả.
Như vậy, khi kết quả nghiên cứu, sáng chế, công nghệ được ứng dụng, chuyển giao thì tổ chức chủ trì, người sáng tạo ra công nghệ sẽ được hưởng lợi ích trực tiếp khá lớn so với lợi ích trực tiếp dành cho chủ đầu tư kinh phí là Nhà nước. Phù hợp với xu hướng đầu tư cho công nghệ của các nước, nhà nước sẽ hưởng lợi gián tiếp từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua nguồn thu từ thuế, mức tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp, công ăn việc làm mới được tạo ra, giá trị gia tăng của sản phẩm do đóng góp của tài sản trí tuệ… Nhà nước hay cơ quan nhà nước được giao chức năng quản lý kinh phí đầu tư cho nghiên cứu sẽ không nhằm thu lợi trực tiếp từ giao quyền sở hữu hay thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai đúng và hiệu quả quy định trên ở các bộ, ngành, các địa phương còn là vấn đề. Bởi nhiều nơi quy định này vẫn chưa được quán triệt đầy đủ mặc dù Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản hướng dẫn thi hành và đôn đốc triển khai. Một phần có thể là cơ quan, cán bộ chịu trách nhiệm quản lý các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ kinh phí ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương vẫn chưa nhận biết được giá trị đích thực của các kết quả nghiên cứu mình đang có trách nhiệm quản lý. Hoặc có khi biết được giá trị đó nhưng lại không biết rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thủ tục giao cho ai để khai thác, thương mại hóa. Có trường hợp tổ chức chủ trì, tác giả công trình nghiên cứu và doanh nghiệp cũng chưa nhận thức hết trách nhiệm, quyền lợi của mình nên vẫn còn diễn ra việc tự thỏa thuận chuyển giao ngầm cho nhau. Đến khi có tranh chấp thì sẽ khó có căn cứ, cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên.
Theo ông Phạm Hồng Quất, có những công nghệ ở nước ngoài được bán tới vài triệu đô la thì ở Việt Nam bán cho nhau có khi chỉ vài trăm hoặc vài chục triệu đồng vì không đăng ký sở hữu trí tuệ. Thực tế là do chưa có nhu cầu từ thực tế nên cũng không có nhiều tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp về đánh giá, xác định giá trị tài sản trí tuệ. Do nhà sáng chế không đi đăng ký nên “bỏ rơi” mất quyền độc quyền, từ đó không có lợi thế trong đàm phán mua bán, chuyển giao. Từ việc không đăng ký xác lập quyền và thiếu người giúp đánh giá giá trị thương mại của sáng chế, nên các bên cứ “vô tư” chuyển giao cho nhau. |
Làm tắt và thiệt hại
“Từ việc lo ngại về vấn đề thủ tục hoặc tránh các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, các bên tham gia giao dịch công nghệ tạo ra kinh phí ngân sách nhà nước thông thường vẫn chọn cách thỏa thuận chuyển giao không chính thức. Bên mua có thể chịu rủi ro về pháp lý nhưng lựa chọn biện pháp cạnh tranh thông qua giá cả. Bên bán có thể chịu rủi ro nhưng tránh được phí tư vấn và nghĩa vụ thuế thu nhập. Theo cách đó thì sẽ dẫn đến thị trường diễn biến theo cách không lành mạnh, quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia giao dịch và các bên liên quan không được đảm bảo, đồng thời có thể dẫn đến thất thoát nguồn thu. Do vậy, quyền và trách nhiệm đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu cần phải được thực hiện đầy đủ để có thể phát triển thị trường công nghệ lành mạnh trên cơ sở thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ” ông Quất chia sẻ.
Trong trường hợp hai bên chỉ thỏa thuận với nhau về chuyển giao sáng chế mà không thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền đối với sáng chế thì thỏa thuận nói trên chỉ mang tính “nội bộ” giữa hai bên. Khi xuất hiện bên thứ ba có nhu cầu sử dụng sáng chế đó, thì người làm công, đối tác của hai bên hoặc ngay bên thứ ba đó cũng có thể “tự do” khai thác, sử dụng sáng chế mà không có biện pháp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Tình trạng này hiện nay khá phổ biến, nó làm ảnh huởng đến quyền lợi của cả bên mua, bên bán, tác giả sáng chế, nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất nhận chuyển giao, khai thác ứng dụng sáng chế. Do tâm lý lo ngại bị bộc lộ hoặc các vấn đề thủ tục đăng ký, bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao đã đơn giản hóa các vấn đề pháp lý. Điều này vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi lợi dụng hoặc cạnh tranh không lành mạnh phát sinh trong nội bộ của mỗi bên cũng như từ phía bên thứ ba. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ không kịp thời và đầy đủ tại các lãnh thổ là thị trường tiềm năng của sáng chế cũng là điều kiện và nguyên nhân cho việc thất thoát tài sản trí tuệ của các viện, trường, doanh nghiệp cho các bên thứ ba, kể cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Lựa chọn mô hình phát triển bền vững trong thương mại hóa sáng chế
Để tránh được việc thất thoát nói trên, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã và đang tiến hành chương trình đào tạo, tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật cho các địa phương, viện, trường, doanh nghiệp, các chủ nhiệm đề án để nâng cao nhận thức về bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Đồng thời, các bên tham gia giao dịch công nghệ cần có ý thức coi trọng các vấn đề pháp lý, đặc biệt trong sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp về đánh giá, định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ, xác lập và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý, tổ chức chủ trì, tác giả, doanh nghiệp cũng cần hiểu biết về cơ chế phân chia lợi ích trong thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu phù hợp với quy định pháp luật. Các bên tham gia giao dịch cũng cần được tư vấn về các phương thức hợp tác đầu tư gắn với chuyển giao, mua bán công nghệ. Mô hình góp vốn thành lập công ty bằng giá trị tài sản trí tuệ, công nghệ, kết quả nghiên cứu giữa tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học và nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất cần được phổ biến, nhân rộng. Đây là mô hình phát triển bền vững trong thương mại hóa sáng chế vì phát huy được lợi thế của mỗi bên. Trong đó, cơ quan quản lý, tổ chức tư vấn, môi giới, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho nhà sáng chế, nhà đầu tư, nhà sản xuất gặp được nhau, hiểu nhau và có cùng tiếng nói chung trong quan hệ hợp tác.
“Hiện nay đã xuất hiện một số hình thức hợp tác đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển sản phẩm trên cơ sở góp vốn bằng giá trị sáng chế, phân chia lợi nhuận cho tác giả dưới hình thức cổ phần. Cần có biện pháp khuyến khích phát triển mô hình hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư, nhà sáng chế, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối để phát huy tối đa lợi thế của các nhân tố tạo ra giá trị thương mại của sáng chế. Nếu cứ để tình trạng cá nhân nhà khoa học, nhà sáng chế tự đầu tư nghiên cứu ứng dụng sáng chế hoặc tự quáng cáo, chào bán sáng chế, thì sẽ rất khó xác định giá trị cũng như tạo ra được giá trị thương mại thực tế của sáng chế trong thị trường công nghệ” ông Quất khẳng định.