Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN, năm 2014, đơn vị này tiếp nhận 487/4.447 đơn đăng ký độc quyền sáng chế của các tổ chức, cá nhân trong nước gửi đến xin được cấp bằng bảo hộ; có 1.368 tổ chức, cá nhân được cấp bằng sáng chế, trong đó chỉ có 36 tổ chức cá nhân trong nước, chiếm 2,26%, còn lại là của nước ngoài. Con số này cho thấy rất ít sáng kiến, sáng chế của người Việt được cấp bằng bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, số lượng đơn đăng ký chưa phản ánh đúng về số lượng sáng chế thực tế của đời sống và hoạt động nghiên cứu. Lý do chính là bởi vì các nhà sáng chế thiếu tài chính để theo đuổi quá trình xây dựng và nộp đơn cho đến khi được xét duyệt kéo dài hơn 2 năm; hơn nữa, thủ tục cách thức xây dựng hồ sơ đăng ký sáng chế đối với các nhà sáng chế là một vấn đề trong khi khâu trung gian cung cấp dịch vụ này lại chưa phát triển.
Theo thông lệ quốc tế, để giải quyết bài toán lợi ích này, cần có các định chế trung gian định giá tài sản trí tuệ, làm cơ sở cho sự bắt tay hợp tác giữa nhà sáng chế và nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây lại đang lại bài toán khó đối với Việt Nam. Vẫn còn thiếu vắng nhiều tiền lệ, các ví dụ thành công về sự hợp tác, liên kết thương mại hóa sáng chế giữa nhà sáng chế và nhà đầu tư. Thiếu vắng những quy chuẩn, phương pháp, thước đo để định giá chính xác nhất có thể các tài sản trí tuệ. |
Số lượng sáng chế nộp đơn đăng ký và được cấp bằng đã ít, thì số lượng các sáng chế được thương mại hóa lại càng ít hơn. Chưa có một thống kê nào về tỷ lệ các bằng sáng chế được thương mại hóa, song qua thực trạng thương mại hóa tài sản trí tuệ thời gian qua, có thể định lượng con số này còn rất khiêm tốn. Bước đầu, chúng ta đã thực hiện nhiều hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ như chủ sở hữu tự khai thác các quyền của mình, chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng, nhượng quyền thương mại và góp vốn bằng tài sản trí tuệ… Song so với kho dữ liệu khoảng 40 triệu bản sáng chế thì việc khai thác, thương mại hóa vẫn còn rất sơ khai. Với nhiều người, thị trường khoa học công nghệ vẫn còn rất xa lạ.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho các sáng chế chưa được thương mại hóa. Theo Ông Trịnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Trường Thành (Công ty hợp tác với các đơn vị của Bộ KHCN và VTV sản xuất chương trình Sáng tạo Việt) ,thì mâu thuẫn lợi ích giữa nhà sáng chế và nhà đầu tư là nguyên nhân chính. Trong khi các doanh nghiệp than phiền các nhà sáng chế không thiện chí hợp tác thì nhiều nhà sáng chế lại luôn lo lắng sáng chế của mình sẽ bị đánh cắp. Ở đây chưa có được sự tin tưởng và lời giải cho sự hài hòa lợi ích, điều này dẫn tới hệ quả, sáng chế mãi ngủ yên trong rương hòm, ngăn kéo, trong khi đời sống thì thiếu các ứng dụng sáng tạo, doanh nghiệp vẫn phải mua công nghệ của nước ngoài.
Mặc dù muộn mằn, song đầu năm nay, liên bộ Tài chính và KHCN đã ban hành thông tư liên tịch quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước. Và trong thời gian qua, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN thuộc Bộ KHCN cũng đã có những nỗ lực hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy để các tác giả sáng chế bắt tay với doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyển giao công nghệ. Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, với 10 sáng chế mà Cục xúc tiến, có 3 công trình được quan tâm và khoảng 2 công trình được kết nối thành công. So với thế giới, đây là tỷ lệ đáng mừng, song con số tuyệt đối thì vẫn còn ít ỏi.
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, với 10 sáng chế mà Cục xúc tiến, có 3 công trình được quan tâm và khoảng 2 công trình được kết nối thành công. So với thế giới, đây là tỷ lệ đáng mừng, song con số tuyệt đối thì vẫn còn ít ỏi. |
Việc thương mại hóa các sáng chế cần phải để cho thị trường điều chỉnh. Các hoạt động của Nhà nước chỉ là thứ yếu, ở giai đoạn đầu của thị trường, mang tính mở đường để thị trường phát triển. Hiện nay, cung và cầu KHCN đang chưa gặp nhau bởi thiếu các định chế trung gian, ở đây là các tổ chức tư vấn, định giá tài sản trí tuệ chuyên nghiệp. Chưa kể, mô hình sàn giao dịch công nghệ vẫn còn rất sơ khai, vắng vẻ. Cùng với các tổ chức dịch vụ, cần phải có bộ quy chuẩn, kỹ thuật định giá tài sản trí tuệ tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, trong đó đưa ra được các phương pháp, quy trình chuẩn để có thể xác định được giá trị thực của các tài sản trí tuệ. Khi đó, mâu thuẫn lợi ích giữa nhà khoa học và nhà đầu tư sẽ có được lời giải hài hòa. Ngoài ra, để việc thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ được phát triển hiệu quả cũng cần nâng cao vai trò của Tòa án, Cơ quan quản lý thị trường trong việc thực thi quyền quyền sở hữu trí tuệ để giảm bớt những rủi ro trong việc đầu tư nghiên cứu, thương mại hóa.