Cơ hội và thách thức song hành
Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam cùng 11 nước thành viên khác đã ký kết hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là với dược phẩm. Đồng thời, các nước cũng cần có cơ chế thực thi hiệu quả việc bảo hộ quyền SHTT trên lãnh thổ nước mình, kể cả tại biên giới và trong môi trường Internet. Nhất là Hiệp định TPP yêu cầu phải có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT.
Theo ông Nguyễn Phương Minh, Phó trưởng Phòng thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, với các quy định về SHTT trong Hiệp định TPP, cơ hội của doanh nghiệp Việt thể hiện ở chỗ, chế độ bảo hộ SHTT ở mỗi nước trong khối đều áp dụng không phân biệt giữa tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Vì vậy, ở thị trường cả trong nước và ở các nước thành viên TPP, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng sự bảo hộ cao đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ.
|
“Khi đó, quyền được bảo hộ rộng hơn, dễ dàng hơn; thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp minh bạch, công bằng và hợp lý hơn; việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn tạo điều kiện phát huy bảo hộ những sáng tạo của người dân, thúc đẩy đầu tư của Việt Nam thông qua việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp… Hơn nữa, với cơ chế bảo hộ cao về SHTT sẽ là môi trường tốt có khả năng thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh. Bên cạnh đó, hệ thống SHTT có hiệu quả cũng sẽ góp phần tạo dựng và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp,” ông Nguyễn Phương Minh nhấn mạnh.
Cơ hội lớn, nhưng thách thức đến với cộng đồng doanh nghiệp còn lớn hơn. Ông Nguyễn Phương Minh chỉ ra rằng, chế độ bảo hộ SHTT cao đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều điều kiện chặt chẽ hơn với khả năng tiếp cận sản phẩm trí tuệ được bảo hộ đối với xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Cụ thể, thời gian bảo hộ càng dài thì thời điểm xã hội được tự do sử dụng sản phẩm càng muộn. Trong thời hạn bảo hộ, giá sản phẩm đương nhiên đắt. Đối với doanh nghiệp, giá công nghệ, kể cả phần mềm máy tính, bí quyết kỹ thuật là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa, chế độ thực thi khiến doanh nghiệp của ta cũng phải chịu trách nhiệm nhiều đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng kể cả trong trường hợp kinh doanh xâm phạm ngay tình.
Phó Chánh thanh tra Bộ VH, TT và DL Trần Văn Minh cho rằng, Hiệp định TPP đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Vì vậy, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cũng cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.
Chủ động biết người biết ta
Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về SHTT. Đồng thời, có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo những cú hích của nhà nước để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có hàm lượng trí tuệ cao, có giá trị. Cùng với đó là việc hình thành khung khổ pháp lý cũng như cho ra đời các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ rủi ro, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo để phát triển tài sản trí tuệ. Bộ luôn quan niệm lấy doanh nghiệp là trung tâm, giúp doanh nghiệp tận dụng những lợi thế mà nhà nước đang tạo ra để phát triển mạnh mẽ, hội nhập thành công. – Chánh thanh tra Trần Minh Dũng |
Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, ngày nay, quyền SHTT đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, quyền SHTT không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục, không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà nó còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu và trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử.
Doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật cao mà các nước phát triển vẫn đang làm nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước của họ. Ông Trần Minh Dũng khuyến nghị, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực sự nghiên cứu ngay từ bây giờ. Trên cơ sở có đầy đủ thông tin, thì mới lựa chọn được những gì là cơ hội trong lĩnh vực SHTT để tận dụng, những gì là thách thức thì có các sách lược vượt qua một cách chủ động nhất. Cần chủ động, biết người, biết ta trong quá trình hội nhập. Khi thực hiện đầy đủ các cam kết về SHTT cũng đồng thời là cơ hội phát triển nội lực của doanh nghiệp Việt.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Pháp chế, Cục Sở hữu trí tuệ, nếu doanh nghiệp nắm vững những nguyên tắc về SHTT thì cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã nắm vững một phần của công thức hội nhập. SHTT trong TPP không chỉ có những quy định chung cùng những yêu cầu liên quan đến các lĩnh vực hợp tác, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả… mà còn chú trọng vào yếu tố thực thi quyền SHTT này của các quốc gia. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP không những phải tuân thủ những yêu cầu đã được đề ra trong vấn đề bảo hộ SHTT mà còn được 11 nước thành viên còn lại “đánh giá” năng lực hoạt động, ý thức trách nhiệm thông qua việc thực thi những yêu cầu đó.
Có thể thấy rằng, SHTT liên quan đến thương hiệu của doanh nghiệp, nên nếu không nhận thức đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong kinh doanh. Không bảo vệ tài sản trí tuệ, quyền SHTT, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị mất thương hiệu, khi đó sẽ mất tất cả. Chưa kể, những tranh chấp về SHTT có thể khiến cho uy tín thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường ít nhiều ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực phần mềm máy tính, để thay đổi thói quen “xài chùa” sang trả tiền cũng là một sự tự giác không hề dễ dàng mà nếu cứ chần chừ, rất có thể doanh nghiệp sẽ phải ra tòa, hoặc bị hủy hợp đồng chỉ vì sử dụng phần mềm máy tính lậu.