Theo các diễn giả tham dự Hội thảo, hòa nhịp với sự phát triển của nền kinh tế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Đây là thị trường đầy sức hấp dẫn cho các startup Việt, song cũng có nhiều thử thách. Bà Sandrine Ergon – Giám đốc kỹ thuật Vivosim cho rằng, khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế của của Việt Nam rất tiềm năng, hơn thị trường nhiều nước trên thế giới, rất dễ đưa công nghệ vào. Điều thuận lợi là đã có nhiều đổi mới trong chính sách, tư duy và cách ứng xử tại các cơ sở y tế của Việt Nam.
Chung ý kiến với bà Sandrine Ergon, ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO và Founder Ecomedic MODERATOR cho rằng, qua trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài, họ đều nhận định Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng, bởi tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh rất nhiều, sự tiếp cận internet ngày càng tăng, do đó dễ dàng ứng dụng công nghệ, triển khai các giải pháp y tế dựa trên nền tảng mobile health đến từng người dân.
Tuy nhiên, theo các diễn giả, bên cạnh tiềm năng và những thuận lợi, cũng có nhiều thách thức. Theo bà Tạ Thị Vân Anh, CEO Isorasoft – startup trong lĩnh vực phần mềm quản lý bệnh viện, khởi nghiệp lĩnh vực y tế khó hơn những lĩnh vực khác. Khó nhất là việc làm thế nào để kết nối các startup, cũng như những dịch vụ liên quan. Chia sẻ thêm về hoạt động khởi nghiệp của mình, bà cho biết, bà cùng đồng nghiệp khởi nghiệp, sáng lập Công ty CP và Phát triển phần mềm ứng dụng CNTT chuyên sâu về mảng phần mềm quản lý bệnh viện, triển khai thành công ISORA SOFT (tại Bệnh viện E) và 4 dự án khác tại các bệnh viện, phòng khám lớn ở Việt Nam, đặc biệt tiếp nhận, chuyển giao công nghệ bảo mật phần mềm LogoQ (Nhật Bản); triển khai dự án cộng đồng về y tế và nhân ái, nhằm cung cấp thông tin liên quan; hỗ trợ người bệnh tiếp cận cơ sở y tế, y bác sĩ trực tuyến thay vì phải chờ đợi xếp hàng tại bệnh viện...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO và Founder Ecomedic MODERATOR cho biết, hiện các startup y tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như thị trường, định hướng ban đầu,… đặc biệt chưa kết nối, gắn kết với nhau tạo thành một cộng đồng, hệ sinh thái. Trong Techfest 2017, ông cùng các đồng nghiệp đã bước đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế, giúp các startup có thể tìm thấy những đối tác tiềm năng. Không chỉ tìm kiếm nhà đầu tư, các startup sẽ nhìn thấy cơ hội khác cũng như với doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Hệ sinh thái đó không chỉ là ứng dụng kết nối giữa bệnh nhân, phòng khám mà là một vòng tròn sinh thái kết nối chuỗi nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện. Trung tâm của vòng tròn sẽ là khách hàng. Tất cả các công ty cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế đều kết nối vào hệ sinh thái đó, để cung cấp một giải pháp tổng thể cho cộng đồng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo các diễn giả, tương lai của ngành y tế đang theo xu hướng là sự kết hợp giữa chuẩn đoán và mang sự cá nhân hóa. Cùng với đó, với sự bao phủ rộng rãi của internet và những tiến bộ của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), người bệnh ngày càng có nhu cầu được tiếp cận nhiều hơn, theo cách linh hoạt, chủ động hơn với các thông tin về việc CSSK của họ. Trong thời gian tới, các diễn giả mong muốn đẩy mạnh việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực y tế, tăng cường kết nối, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để có thể cung cấp được giải pháp tổng thể cho cộng đồng.