Chất vấn trực tiếp
Cựu Thủ tướng Francois Fillon trả lời trong một phiên chất vấn năm 2007 |
Các câu hỏi chất vấn trực tiếp phải được viết ngắn gọn và dễ hiểu, gửi đến Chủ tịch Quốc hội để thông báo đến Chính phủ. Hội nghị các Chủ tịch dành phiên họp sáng ngày thứ ba hàng tuần cho chất vấn, ngoại trừ thời gian đang thảo luận ngân sách, thời gian diễn ra phiên họp bất thường hoặc khi có một chương trình làm việc khác. Khi bắt đầu một nhiệm kỳ Quốc hội mới, Hội nghị các Chủ tịch quyết định tổng thời gian dành cho câu hỏi chất vấn miệng, số câu hỏi được chất vấn trong mỗi phiên họp (hiện tại là 25) và việc phân bổ câu hỏi giữa các tổ chức chính trị.
Trên thực tế, mỗi tổ chức chính trị có một số câu hỏi chất vấn nhất định, phù hợp với số thành viên của tổ chức đó. Số câu hỏi chất vấn này được Hội nghị các Chủ tịch lựa chọn đưa vào trong chương trình và được công bố trong mục “chất vấn” trên Công báo. Theo các quy định của Hội nghị các Chủ tịch, với câu hỏi không thảo luận, người chất vấn có 7 phút trình bày trong phiên họp và có thể dùng thời gian này cho việc đặt câu hỏi; cuối cùng là đáp lại câu trả lời của bộ trưởng.
Các câu hỏi chất vấn không báo trước được tiến hành thông qua 2 phiên họp, mỗi phiên kéo dài một tiếng vào các buổi chiều thứ ba và thứ tư. Việc phân bổ thời gian phát biểu bảo đảm các tổ chức chính trị có ít nhất một câu hỏi chất vấn. Ở Nghị viện hiện nay, phe chiếm đa số có 40 phút, trong khi phe đối lập chỉ có 20 phút (bao gồm thời gian trả lời của Chính phủ). Trong thời gian diễn ra phiên họp, Chủ tọa sẽ nêu câu hỏi theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị, phe đa số và phe đối lập được luân phiên nhau đặt câu hỏi. Thời gian đặt một câu hỏi và trả lời là 5 phút.
Các câu hỏi này không được thông báo hay công bố trước cho Chính phủ, chỉ có tên người chất vấn được gửi đến Chính phủ một giờ trước khi khai mạc phiên họp. Phần đặt câu hỏi trực tiếp với sự có mặt đông đảo các thành viên của Chính phủ đã được truyền hình trực tiếp từ năm 1981. Người đặt câu hỏi chất vấn không được phép đáp lại bộ trưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp bộ trưởng trả lời không thỏa đáng hay gây ra bất bình, đại biểu tiếp theo của tổ chức chính trị đó sẽ bỏ câu hỏi chất vấn của mình để hỏi lại câu hỏi trước đó của đồng nghiệp hay đưa ra nhận xét tiêu cực đối với phần trả lời của bộ trưởng.
Chất vấn bằng văn bản
Thủ tục này diễn ra ngoài khuôn khổ các phiên họp (chỉ là quy trình thủ tục Nghị viện); đồng thời thể hiện đặc quyền cá nhân của các đại biểu. Đây là giải pháp tốt khi không có đủ thời gian cho các câu hỏi trực tiếp.
Ở Pháp, chất vấn bằng văn bản rất phổ biến. Điều này cho phép các đại biểu được chất vấn các bộ trưởng về các vấn đề trực tiếp liên quan đến cử tri của mình. Đại biểu có thể đặt câu hỏi viết cho một bộ trưởng, chỉ có các câu hỏi liên quan trực tiếp đến chính sách chung của Chính phủ được gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Không có giới hạn số câu hỏi cho một đại biểu Quốc hội. Các câu hỏi viết phải ngắn gọn, dễ hiểu, không kết tội và nêu tên bất kỳ một cá nhân nào. Các câu hỏi có thể liên quan nhiều vấn đề khác nhau (như lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương, các vấn đề của tập thể, cá nhân…).
Các câu hỏi viết phải gửi đến Chủ tịch Quốc hội, sau đó sẽ thông báo đến Chính phủ. Trong trường hợp các câu hỏi có nội dung buộc tội cá nhân, Văn phòng Quốc hội sẽ không chỉnh sửa nội dung và các câu hỏi này vẫn được thông báo tới Chính phủ nhưng không được xem xét trả lời. Các câu hỏi viết được công bố hàng tuần trên Công báo trong và sau khi diễn ra kỳ họp. Sau khi công bố câu hỏi chất vấn 2 tháng thì các bộ trưởng phải đưa ra phần trả lời. Trong trường hợp câu hỏi chất vấn không được trả lời đúng theo thời gian quy định, bộ trưởng cũng không phải chịu hình thức kỷ luật nào.