Cơ chế xin - cho ngày càng phổ biến
Báo cáo với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học - công nghệ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, giai đoạn 2011 - 2020, Viện đã đảm nhận rất nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ cấp quốc gia liên quan đến những vấn đề xã hội trọng yếu, cấp bách của cuộc sống và nhu cầu quản lý sự phát triển xã hội của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi nhanh chóng trong thời kỳ Đổi mới, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Viện luôn chủ động xác định các vấn đề xã hội cấp bách của đất nước, tranh thủ mọi nguồn lực và năng lực nghiên cứu hiện có, thực hiện các nghiên cứu sâu về nhiều vấn đề xã hội quan trọng, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ việc quản lý sự phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước.
Thế nhưng, khó khăn lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội được Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Nguyễn Văn Minh chỉ ra là, kinh phí dành cho nghiên cứu còn rất hạn hẹp. Dù cơ chế tài chính có thay đổi, nhưng vẫn theo mô hình quản lý hành chính đối với khoa học nên rất khó thực hiện, gây cản trở các nhà khoa học tập trung sáng tạo. Cơ chế phân bổ ngân sách cho khoa học còn nhiều bất cập. Ví dụ, các cơ quan và địa phương không có chức năng nghiên cứu thì được phân bổ rất nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ… và kèm theo đó là nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi đó, số phân bổ cho các tổ chức khoa học lại rất hạn chế, khiến các tổ chức và nhà khoa học trở thành đơn vị, cá nhân nhiều lúc trở thành "làm thuê" cho các tổ chức và địa phương nói trên. Bên cạnh đó, “môi trường khoa học ngày càng biến thành thương trường với cơ chế xin - cho ngày càng phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học thuật, khả năng đổi mới và sức sáng tạo trong khoa học”, ông Nguyễn Văn Minh nói.
Một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội nêu thực tế, các đề tài muốn phê duyệt năm nay thì phải xây dựng kế hoạch từ năm trước. Khi được phê duyệt triển khai thì nhiều nội dung đã lạc hậu, từ định mức cho tới trang thiết bị trở nên lỗi thời. Việc giải ngân còn gắn liền với những quy định cứng nhắc, đòi hỏi tổ chức phải đệ trình dự toán chi tiết kinh phí đề tài. Điều này, đôi khi không phù hợp với thực tế là có những đề tài kéo dài nhiều năm, do đó, sẽ có sự điều chỉnh kinh phí so với dự toán ban đầu; như vậy, ngân sách cố định ban đầu phải cắt xén, co kéo để chi cho nhiều hạng mục phát sinh.
Định mức vẫn cào bằng
Chia sẻ với những khó khăn nêu trên, thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cũng cho rằng, khoa học xã hội là lĩnh vực đặc thù, thậm chí định ra hướng đi, "kim chỉ nam" phục vụ sự phát triển của đất nước. Tiếc rằng, vấn đề kinh phí lại đang “bó” các nhà khoa học, khiến khoa học xã hội chưa phát triển như yêu cầu và kỳ vọng. Vai trò rất quan trọng nhưng tiền không có, chính sách dành cho lĩnh vực này cũng rất ít, kể cả trong lĩnh vực dân tộc. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Hồng Tịnh, thì “có nhà khoa học phải thốt lên, thời gian dành cho thanh toán đề tài còn nhiều hơn cả thời gian nghiên cứu. Khoa học không thể tính theo trang giấy được”.
Từ góc độ của nhà khoa học, chuyên gia tham gia của Đoàn giám sát, Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội Lưu Thế Anh thẳng thắn, "chúng tôi kêu rất nhiều nhưng không được tiếp thu". Hiện nay, định mức nghiên cứu khoa học đang "cào bằng". Miền núi cũng như đồng bằng, nên không khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu đề tài, chương trình, dự án ở những vùng khó khăn. Mặt khác, nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực nhân văn cũng thấp hơn nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực tự nhiên - điều này rất không đúng. Đáng lẽ phải tùy thuộc vào đặc thù của lĩnh vực, ngành, khu vực, nhưng thực tế chúng ta lại áp dụng cứng nhắc.
Đáng lưu ý, ông Lưu Thế Anh cũng cho biết thêm về bất cập của chính sách chuyển giao nhân rộng kết quả của đề tài. Rất nhiều đề tài khi kết thúc, thì cũng không có cơ chế nào để nhân rộng kết quả, nếu không có nhiệm vụ nào, khoản chi nào được phê duyệt. Điều này dẫn đến đề tài lại tiếp tục "đắp chiếu, nằm đợi"; có đề tài vì thế mất tính thời sự và hiệu quả.
Một số thành viên Đoàn giám sát cũng đặt vấn đề, chúng ta đã có cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Nghị định 54/2016/NĐ - CP của Chính phủ, trong đó có cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, sản phẩm nghiên cứu hoàn thành, nhà nước không sử dụng vẫn có doanh nghiệp, địa phương sử dụng. Nhưng sản phẩm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nếu cơ quan quản lý nhà nước không sử dụng, cũng không thể chuyển giao cho doanh nghiệp. Vậy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 54 như thế nào? Viện cần phân tích rõ thêm và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Tới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho rằng, một trong những giải pháp cần thiết là sớm sửa Luật Khoa học và công nghệ để tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế tài chính, "cởi trói" cho các nhà khoa học. Đồng thời, sớm hoàn thiện cơ chế phân bổ tài chính hợp lý giữa các bộ, ngành, địa phương không có chức năng nghiên cứu khoa học với tổ chức khoa học. Đơn giản hóa thủ tục tạm ứng, thanh toán, quyết toán dự án, đề tài để các nhà khoa học dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho lao động, sáng tạo.