Luật Sĩ quan năm 1999 được Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 21.12.1999, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.4.2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Luật Sĩ quan có 7 chương, 51 điều, từ khi đi vào thực tiễn đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là “ngành lao động đặc biệt”.
Dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; một số nội dung liên quan đến thẩm quyền và quy định rõ hơn một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương...
Việc sửa đổi, bổ sung luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc, bất cập.
Tại phiên thảo luận tổ, cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 của Dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) cho rằng, việc sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ là cần thiết. Song đề nghị, ban soạn thảo cần rà soát quy định của pháp luật về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của lực lượng vũ trang nói chung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, bảo đảm bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.
Đồng tình, thống nhất với việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho quân đội là cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phần đông lực lượng sĩ quan, một số đại biểu nêu quan điểm, việc bố trí chỗ ở, nhà ở xã hội sẽ giúp cho lực lượng sĩ quan an tâm hơn trong công tác. Mặt khác, cũng tạo điều kiện cho lực lượng có thu nhập thấp có được cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, cần rà soát để bảo đảm đúng đối tượng, nhu cầu.
Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù. Về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, các đại biểu cơ bản tán thành với các trường hợp được xét thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn như Dự thảo Luật; việc giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan trước thời hạn là cần thiết, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, chặt chẽ.