Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ
Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả hết sức tích cực, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan trực tiếp đến công đoàn như Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 02-NQ/TW, Bộ luật Lao động 2019… Đặt ra yêu cầu cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thảo luận tại Tổ 4, đợt 1, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa quavề Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH Tống Văn Băng (Hải Phòng) - Trưởng Ban tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiến nghị trao quyền chủ động hơn cho tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ.
Đại biểu cho biết, đối với cán bộ công đoàn chuyên trách cấp Tổng Liên đoàn, cấp tỉnh, huyện được thực hiện theo sự phân bổ của Ban Tổ chức Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay với hơn 123.000 công đoàn cơ sở, trong đó, các công đoàn cơ sở có đông công nhân, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, cán bộ công đoàn đều hoạt động kiêm nhiệm và do người sử dụng lao động trả lương. Do đó, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ cho người lao động tại doanh nghiệp rất khó khăn. Để có sự độc lập tương đối, đề nghị quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách chủ yếu cấp huyện, đặc biệt là công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; trên cơ sở đồng ý của cấp có thẩm quyền về cách xác định số lượng cán bộ công đoàn làm chuyên môn theo Khoản 4 Điều 26 của dự thảo. Vì hiện nay, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và 111/2022/NĐ-CP không cho phép ký hợp đồng lao động làm nhiệm vụ chuyên môn.
Chung quan điểm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Hoàng Thị Phúc kiến nghị: về biên chế cán bộ công đoàn nên xem xét giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quy định Tổng Liên đoàn phối hợp các địa phương phân bổ phù hợp với đặc điểm, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở đoàn viên, số lượng cơ sở, tình hình phát triển kinh tế - xã hội... Nhưng phải bảo đảm thống nhất quan điểm, nguyên tắc về công tác cán bộ để có thể tháo gỡ khó khăn bất cập hiện nay trong phân bổ biên chế cán bộ công đoàn như các đoàn thể khác theo địa giới hành chính và do địa phương phân bổ.
Bảo đảm tính chính danh, hiệu quả hoạt động
Bên cạnh đó, các đại biểu cơ bản tán thành với quy định tại Điều 8 của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình công đoàn 4 cấp” và “Mô hình tổ chức công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn” để bảo đảm sự linh hoạt trong cơ cấu tổ chức của Công đoàn Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển, nhất là tránh làm “hành chính hóa” tổ chức bộ máy Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, việc quy định cụ thể trong dự thảo luật về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam khắc phục được những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012. Đó là, việc không quy định cơ cấu, hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam đã làm ảnh hưởng tới tính chính danh và hiệu quả hoạt động của công đoàn.
Bên cạnh đó, thảo luận về tài chính công đoàn, ĐBQH Tống Văn Băng cho biết: hiện nay, đa số người lao động, người sử dụng lao động đồng ý tiếp tục duy trì đóng góp 2% kinh phí công đoàn, đặc biệt là người sử dụng lao động. Bởi, về chăm lo cho người lao động hiện nay, theo các quy định của pháp luật, hình thành các quỹ tài chính theo cách thức đóng góp gồm người sử dụng đóng góp 2/3 và người lao động 1/3. Có 3 nguồn quỹ đang phục vụ cho người lao động tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đó là: Quỹ Bảo hiểm xã hội được sử dụng chủ yếu khi người lao động hết độ tuổi lao động theo quy định; Quỹ Bảo hiểm y tế sử dụng khi người lao động khám chữa bệnh theo quy định; Quỹ công đoàn tổng 3%, gồm kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng 1%.
Quỹ công đoàn chủ yếu được thành lập để chi tại công đoàn cơ sở với mức trích lại 75% để chủ động thực hiện. Cùng với đó, Công đoàn là đơn vị độc lập trong quan hệ lao động nên cần có tài chính để chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đồng hành, phối hợp với người sử dụng lao động quan tâm chăm lo đời sống, phúc lợi, động viên, khích lệ người lao động gắn bó với đơn vị cũng như thúc đẩy người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua công đoàn, tuyên truyền giáo dục các chính sách của Đảng, Nhà nước. Nếu không có tài chính sẽ phụ thuộc vào người sử dụng lao động, khi đó các hoạt động của công đoàn khó bảo đảm và hiệu quả.