Bóc tách những vướng mắc đã và chưa được tháo gỡ
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, có quan hệ với nhiều thị trường, ngành, lĩnh vực khác như: tài chính tiền tệ, xây dựng, vật liệu xây dựng, lao động... Phát triển ổn định, lành mạnh, có hiệu quả thị trường bất động sản sẽ tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quá trình xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng để bảo đảm điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội. Mặc dù môi trường pháp lý dần hoàn thiện nhưng qua kết quả giám sát tại 12 địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhận thấy, quy trình, thủ tục đầu tư các dự án bất động sản và nhà ở xã hội còn phức tạp; các quy định về đất đai, bất động sản và nhà ở xã hội còn chưa bảo đảm tính khả thi, vướng mắc trên thực tế; sự khác biệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, một số thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, nguồn cung bất động sản hiện suy giảm mạnh; giá bất động sản tăng cao và ngày càng cao; mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc của thị trường bất động sản; có những dự án nhà ở thương mại không có người mua… Trong khi đó, việc kéo dài trình tự, thủ tục đầu tư dự án dẫn đến chi phí tài chính, chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp ngày càng tăng, tạo thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Và, các chi phí này cũng sẽ được tính vào giá bán, tạo thành gánh nặng cho người mua.
Từ thực tế giám sát tại một số địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cũng nêu rõ, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhất là ở các thành phố, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, nhưng số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhiều điểm nghẽn; khó khăn, hạn chế trong bố trí quỹ đất. Vốn xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để giải quyết cho đối tượng hưởng chính sách thuê nhà xã hội còn hạn chế. Thủ tục hành chính, trình tự đầu tư xây dựng còn chồng chéo, phức tạp, kéo dài. Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó khăn, cơ chế ưu đãi còn bất cập. Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi chưa hiệu quả.
Trước những hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần làm rõ, phân loại, bóc tách được những vấn đề đã được nhận diện, điều chỉnh trong quá trình xây dựng các Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua với những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ.
Giải trình, làm rõ những nội dung Đoàn giám sát đề cập tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” được triển khai trong năm 2024 có ý nghĩa rất lớn, khi thị trường bất động sản có một số khó khăn, vướng mắc, là điểm nghẽn ảnh hưởng đến một số hệ sinh thái khác trong nền kinh tế nước ta. Giám sát chuyên đề này của Quốc hội cũng là cơ hội để các cơ quan nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc hiện nay nằm ở các chính sách hay ở khâu tổ chức thực hiện?
Cần có cơ chế giải quyết phù hợp với những dự án gặp khó khăn
Cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi cũng là vấn đề được Đoàn giám sát quan tâm khi làm việc với Chính phủ. Bởi, theo phân tích của Tổng Thư ký Quốc hôi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát, thì sản phẩm quan trọng nhất của chuyên đề giám sát này của Quốc hội là báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát cũng như sau giám sát sẽ tháo gỡ được những vấn đề cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Mặt khác, trong quá trình soạn thảo dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết, Đoàn giám sát cũng đã đề nghị Tổ soạn thảo trao đổi với các cơ quan hữu quan, đưa vào dự thảo Nghị quyết những giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho các dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc, không chỉ giao nhiệm vụ chung chung cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Nhấn mạnh yêu cầu này, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, nếu không quy định phương án xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đang gặp khó khăn tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương "sẽ khó tự quyết định" việc này.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần đối chiếu với những vướng mắc, khó khăn đã thấy rõ, chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, Chính phủ góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết đối với nội dung quy định về những giải pháp tháo gỡ cho các dự án bất động sản gặp khó khăn. Có như vậy mới "phá vỡ" được những vướng mắc hiện nay.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế từ hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Cũng từ thực tế giám sát tại 12 địa phương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu gợi mở, Chính phủ cần làm rõ quan điểm về việc một số dự án khó khăn về tài chính thì giải quyết thế nào? Bởi, dự án bất động sản không giống dự án sản xuất bình thường, liên quan sản phẩm hình thành trong tương lai, nên không thể cho doanh nghiệp phá sản như thông thường.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trước những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đã được Đoàn giám sát chỉ ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách, pháp luật có liên quan trong báo cáo gửi Đoàn giám sát.