Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Bổ sung thêm nhóm đối tượng vùng an toàn khu được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế

Chiều 24.10, thảo luận tại Tổ 9 (Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bến Tre) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, một số đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, cần đánh giá cụ thể về khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ bảo hiểm y tế.

Nghiên cứu mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp

Theo các đại biểu, Luật Bảo hiểm y tế đến nay đã trải qua 15 năm thi hành và thực sự đi vào cuộc sống với 93,628 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tăng 0,15% so với chỉ tiêu của Nghị quyết 68/2022/QH15 ngày 10.11.2022 của Quốc hội. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của một trong số những chính sách an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai còn một số bất cập khó khăn. Do vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết để kịp thời đồng bộ với các Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua.

img-5681-2342-6890.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trần Tâm

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại khoản 4, Điều 12, các đại biểu đều đồng tình với việc dự thảo luật đã bổ sung đối tượng “người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các xã này được xác định không không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm tế. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ”.

Thực hiện Quyết định 861 về phê duyệt các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì giai đoạn 2021 - 2025 có khoảng 5,3 triệu người không được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, trong đó khoảng 3,6 triệu người dân tộc thiểu số không có bảo hiểm y tế. Kể từ tháng 12.2023, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023 thì đã có 1,5 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 75 thì đối tượng trên cũng chỉ được hỗ trợ trong thời gian 36 tháng, tức là đến tháng 11.2026 sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Và tới đây dự kiến có khoảng 600 nghìn người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng II, III trong giai đoạn tiếp theo, như vậy có khoảng 2,1 triệu người dân tộc thiểu số sẽ không được hỗ trợ chính sách BHYT. Vì vậy, việc dự thảo đưa vào nội dung này là cần thiết.

011-5617-7152.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Trần Tâm

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị, dự thảo luật nghiên cứu đưa một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ, mức đóng và giao Chính phủ quy định mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ vào Luật BHYT, cụ thể: Đối tượng là nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh; đối tượng người thuộc hộ gia đình thoát nghèo; đối tượng là người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

dsc-1231-7585-4667.jpg
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Trần Tâm

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), hiện nay, còn một đối tượng cần phải được bổ sung vào quy định được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế đó là người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng CT229. Với nhiệm vụ cũng như trách nhiệm người dân nơi đây phải thực hiện đối với đất nước, đại biểu đề nghị quy định bổ sung người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế trong dự thảo luật sửa đổi này.

Đánh giá khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ bảo hiểm y tế

Về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế tại Điều 21 đã quy định phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế gồm 10 khoản chi phí “chi phí cho sử dụng máu, chế phẩm máu, thuốc, thiết bị y tế, khí y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh”. Đồng thời, giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với 3 nội dung gồm thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế. Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, cần làm rõ căn cứ cũng như quy định tối đa, tối thiểu về tỷ lệ thanh toán người tham gia được bảo hiểm y tế chi trả để bảo đảm quyền lợi và tính minh bạch trong phạm vi hưởng của người tham gia.

img-5688-5184-7956.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu

Liên quan đến mức hưởng bảo hiểm y tế tại Điều 22, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã mở rộng khá nhiều quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và rất nhiều nội dung đề xuất được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (cả nội trú và ngoại trú). Nhất là trường hợp người bệnh được tự đến cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá thật kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế và khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ khi bổ sung khá nhiều mức hưởng bảo hiểm y tế như dự thảo luật.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị, bổ sung quy định trách nhiệm của Giám đốc cơ sở khám chữa bệnh trong Điều 43. Bởi, tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho người bệnh. Vì vậy cần bổ sung trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.

Đồng thời, bổ sung vào Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế quy định các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh đã mua thuốc trước khi người bệnh ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan BHXH và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán…

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.