Không “bắc nước sôi chờ gạo người” là tinh thần chủ động, kiên quyết trong công tác lập pháp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc nhở các cơ quan của Quốc hội. Nó cũng chính là bước đổi mới công tác lập pháp kế thừa thành quả qua các nhiệm kỳ, trong đó, đổi mới công tác thẩm tra có vai trò then chốt. Nhưng để có bước chuyển biến về chất cần có tư duy mới, đặt đúng vị thế, nhiệm vụ của cơ quan thẩm tra. Quốc hội Khóa XV đã có bước đột phá như vậy. Đặt cơ quan thẩm tra ở vị trí cao không chỉ là “phản biện” chính sách, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp mà còn là cơ quan “kiến tạo” chính sách ngay từ đầu.
Hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết là giai đoạn khởi đầu đánh giá chính sách và việc hoạch định chính sách giải quyết những vấn đề trong quản lý hành chính, kinh tế, đời sống xã hội… Trong thời gian dài, hoạt động thẩm tra nghiêng về phản biện chính sách nhằm loại bỏ những điểm bất cập, những hạt sạn và tìm ra những điểm phù hợp nhất để xây dựng, hoàn thiện dự án luật; bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong khi, kiến tạo, xây dựng chính sách chưa được chú ý thỏa đáng. Cách làm này nhiều khi dẫn đến sự bị động, chờ đợi, “bắc nước chờ gạo người” hay còn vội vã, cắt xén quy trình, không đảm bảo thời gian trình dự án theo quy định hay vấn đề chính sách chưa được giải quyết thấu đáo nên khi dự án luật trình ra Quốc hội vẫn còn vấn đề chính sách lớn còn nhiều ý kiến khác nhau…
Bước vào nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, điểm đột phá lớn nhất trong công tác lập pháp là nêu cao vai trò chủ động của cơ quan thẩm tra trong xây dựng, hoàn thiện dự án luật. Ủy ban thẩm tra ngay từ giai đoạn khởi thảo, xem xét đưa dự án vào chương trình đã chú trọng nhiều hơn trong phân tích chính sách, xây dựng, kiến tạo chính sách. Rõ ràng ở đây đã có sự thay đổi tư duy, cách làm căn bản không dừng ở phản biện, “gác cửa” về kỹ thuật lập pháp hay tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật… mà bắt tay phân tích, “kiến tạo” chính sách ngay từ đầu. Thực hiện nhiệm vụ này, vị thế của cơ quan thẩm tra cao hơn hẳn trong vai trò sáng tạo chính sách, giúp Quốc hội quyết định chính sách pháp luật. Và vì vậy, công việc thẩm tra cũng khác trước, nội dung công việc nhiều hơn, thẩm tra sâu hơn, yêu cầu cao hơn, mục tiêu cụ thể hơn; vai trò phân tích và kiến tạo chính sách rõ ràng hơn… Từ đó, góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác lập pháp. Làm việc với các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra, thẩm tra, góp ý cùng xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội. Đây cũng chính là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội đối với cơ quan thẩm tra ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Sự chủ động vào cuộc của cơ quan thẩm tra và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình soạn thảo dự án có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng dự thảo văn bản. Thực tiễn, ngay ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, vai trò kiến tạo của cơ quan thẩm tra đã được thực hiện và luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia quy trình xây dựng luật. Việc cơ quan thẩm tra nhập cuộc với “tư thế mới”, nhà đồng kiến tạo chính sách chính là Quốc hội xây dựng chính sách “từ sớm, từ xa” và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước về những vấn đề lớn trong xây dựng dự án luật, pháp lệnh… Trong quá trình chuẩn bị dự án, ý kiến của cơ quan thẩm tra có thể gợi ý cho Chính phủ những vấn đề cần được giải quyết và đề xuất luôn phương án, hướng tiếp cận từ đầu. Từ đó, cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý ngay, góp phần nâng cao chất lượng dự án luật, nghị quyết khi trình Quốc hội; tạo điều kiện rút ngắn thời gian xem xét của Quốc hội. “Chúng ta tham gia với Chính phủ, các cơ quan hữu quan ngay từ khâu rà soát, tổng kết thực tiễn nên các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm rất chắc những vấn đề gì tồn tại, bất cập, những vấn đề gì mới phát sinh do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới nên khi thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý rất thuận lợi”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.
Một Quốc hội chủ động, một Quốc hội hành động, một Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, một Quốc hội gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, với ý chí, nguyện vọng của cử tri đã thấm sâu trong mỗi việc làm của các cơ quan của Quốc hội.
Những đột phá này cũng được các cơ quan trình dự án đánh giá cao. Báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5 nhấn mạnh kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có sự vào cuộc ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Chính phủ đã tích cực, chủ động trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cho tới giai đoạn luật, pháp lệnh được thông qua.
Một Quốc hội chủ động, một Quốc hội hành động, một Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, một Quốc hội gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, với ý chí, nguyện vọng của cử tri đã thấm sâu trong mỗi việc làm của các cơ quan của Quốc hội. Và tư duy về một Quốc hội kiến tạo ngày càng được thể hiện và thực hiện mạnh mẽ.
Ngay từ khi hình thành sáng kiến lập pháp, Quốc hội đã vào cuộc sớm không chỉ ở việc xem xét, thông qua chương trình xây dựng pháp luật mà còn ở công tác nghiên cứu, chuẩn bị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ với các nhiệm vụ lập pháp được xác định cụ thể, là quy trình “đề nghị”, lựa chọn đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hàng năm. Đề nghị này là một phần của sáng kiến lập pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó các cơ quan có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội quyết định. Và việc thẩm tra sáng kiến lập pháp cũng đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng, rà soát về các nội dung chính như: Các quan điểm chỉ đạo xây dựng, sự cần thiết phải ban hành, phạm vi quy định, đối tượng điều chỉnh, nội dung lớn của dự án, một số vấn đề cụ thể, tên gọi, bố cục dự án, kỹ thuật soạn thảo văn bản, kiến nghị một số biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện văn bản trong cuộc sống…
Tăng cường năng lực, thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quy trình lập pháp, nhất là việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; hướng tới việc thảo luận, cho ý kiến, hoàn thiện văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện chủ yếu tại các cơ quan của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay từ những ngày làm việc đầu tiên với các cơ quan của Quốc hội cũng đã định hướng rằng các cơ quan của Quốc hội cần chủ động, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, vào cuộc ngay từ đầu và kiên quyết làm đúng vai trò, nhiệm vụ. Đó cũng chính là một nội dung lớn đổi mới trong công tác thẩm tra dự án luật.
Có thể thấy, công tác thẩm tra dự án luật thời gian qua được tiến hành tích cực, chủ động, có sự phân vai rõ ràng về cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp... Quá trình chuẩn bị dự án là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của cử tri... Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa đòi hỏi công tác thẩm tra không chỉ vào cuộc ngay từ đầu mà vào cuộc một cách sâu sắc với vai trò kép phản biện và kiến tạo. Để thực hiện vai trò này, các Ủy ban thẩm tra đã tiến điều tra, khảo sát độc lập những vấn đề quan trọng liên quan đến các chính sách của dự án luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, mời các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ làm thực tiễn có kinh nghiệm phong phú, sâu sắc về lĩnh vực dự án luật điều chỉnh tham gia góp ý ngay từ đầu. Đồng thời, theo chủ trương của lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, bộ, ngành tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khảo sát, đánh giá những vấn đề trong xây dựng chính sách pháp luật . Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thẩm tra sẽ được tập trung xử lý rốt ráo, được trao đổi, tranh luận, đưa ra lấy ý kiến chuyên môn, tọa đàm, tìm ra điểm thống nhất ngay ở các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ngay ở giai đoạn chuẩn bị dự án trước khi trình Quốc hội.
Một trong những yêu cầu của báo cáo thẩm tra là phải nêu lên được chính kiến, quan điểm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về những vấn đề thống nhất, không thống nhất hoặc còn có ý kiến khác nhau để làm cơ sở cho ĐBQH thảo luận và Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định. Trên thực tế, các báo cáo thẩm tra không chỉ nêu lên chính kiến của HĐDT, Ủy ban về toàn bộ nội dung của dự án mà còn nêu những điểm khác biệt trong xây dựng chính sách đã được tiếp thu chỉnh sửa; những tồn tại về vấn đề xây dựng chính sách pháp luật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu tiếp cận dự án dưới góc độ làm chính sách pháp luật và làm căn cứ cho ĐBQH nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án.
Vì vậy, các báo cáo thẩm tra, kết tinh của hoạt động thẩm tra, xây dựng chính sách ngày càng có chất lượng hơn, không chỉ thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn mà còn ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò kiến tạo chính sách trong dự án được cơ quan soạn thảo tiếp thu, trình Quốc hội. Điều đó cũng giúp công tác chỉnh lý, hoàn thiện văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua được thực hiện nghiêm túc, thận trọng hơn và hoàn thiện từ sớm, từ xa.
Những đột phá tư duy kiến tạo và bước chuẩn bị từ sớm, từ xa đã góp phần triển khai thực hiện chủ trương “tăng cường năng lực, thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quy trình lập pháp, nhất là việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; hướng tới việc thảo luận, cho ý kiến, hoàn thiện văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện chủ yếu tại các cơ quan của Quốc hội” đã có bước tiến mới.
Trình bày: Xuân Tùng