Đánh giá việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, với niềm tin, sự đồng hành cùng vượt qua khó khăn, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, quyết toán ngân sách Nhà nước đã tăng 17,2% so với dự toán, chi tăng 0,4% so với dự toán. Do vậy, dù có những phân tích, đánh giá nguyên nhân trong lập dự toán chưa sát, gây ảnh hưởng đến quá trình điều hành, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, để đạt được kết quả nêu trên cần ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi xem xét các báo cáo của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, còn một số vấn đề chưa được xử lý, thậm chí có những vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Trong đó, đại biểu lưu ý, một số nội dung giao dự toán còn chậm, bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, nên đi giám sát ở một số địa phương đã ghi nhận phản ảnh “điều chỉnh quá sát, không thể làm được, cần cho phép chuyển nguồn hoặc hủy”, khiến không đưa vốn vào được. Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư chưa bảo đảm đúng thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, có những dự án được bố trí vốn chưa đủ thủ tục.
Quan tâm đến việc phát sinh số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn trong năm 2021, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai lưu ý, có sự chưa thống nhất giữa số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với số liệu tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công chỉ có 4.465 tỷ đồng, chênh lệch lớn với số liệu tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước tại 5 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương (23.608 tỷ đồng). Theo đại biểu, điều này cho thấy công tác theo dõi, tổng hợp số liệu để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều hành, cũng như báo cáo với Quốc hội chưa bảo đảm tính sát thực. Do vậy, cần rà soát kỹ số liệu về nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích nguyên nhân làm phát sinh tình trạng này, có phương án xử lý, làm rõ trách nhiệm với các cơ quan, địa phương khi vướng vào một trong những hành vi bị cấm trong đầu tư công được Luật Đầu tư công quy định rất rõ.
Dẫn số liệu về các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường được ghi nhận trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, trong đó ngành xây dựng có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đặt câu hỏi: Liệu có sự liên hệ giữa sự khó khăn của doanh nghiệp trong ngành xây dựng với việc nợ đọng xây dựng cơ bản lớn trong năm 2021 không? Có phải do các cơ quan, địa phương nợ xây dựng cơ bản khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã khó càng khó hơn không?
Về số chi chuyển nguồn, ĐBQH lưu ý, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều khoản tạm ứng đã quá hạn, phải thu hồi, nhưng trong nhiều năm qua không thu hồi được. Một số bộ, ngành, địa phương cũng báo cáo không thể thực hiện được yêu cầu này. Trên cơ sở 4 nhóm nguyên nhân của tình trạng này được báo cáo Kiểm toán Nhà nước đưa ra, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát số chi chuyển nguồn không đúng quy định, và thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước “không quyết toán số chi chuyển nguồn không đúng này”; đồng thời, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng chậm thu hồi các khoản tạm ứng từ các niên độ quyết toán từ năm 2020 trở về trước.
Giải trình về vấn đề được đại biểu đưa ra về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn…, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần tư duy thiết kế lại Luật Đầu tư công, nếu không năm nào cũng sẽ có nhận định giải ngân đầu tư công chậm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, từ khi có chủ trương đầu tư rồi phê duyệt dự án, thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đến đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phần thi công xây lắp và phần quyết toán được thực hiện nhanh. Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại cách làm, qua đó giúp khắc phục hiệu quả hạn chế này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, phải phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện các dự án từ vốn ODA, khi đó các địa phương mới hăng hái nhận triển khai những dự án này. Hiện nay, các tỉnh đều trả lại nguồn vốn ODA vì các thủ tục đầu tư cực kỳ lâu.
Liên quan đến vốn thường xuyên, Bộ trưởng khẳng định, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, sau 15 ngày, Bộ Tài chính đã phân bổ hết cho các tỉnh/thành phố, bộ ngành; thực hiện phân bổ trong một lần, không chia thành các đợt khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị, hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực như đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn. Theo đó, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…