Thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng bộc lộ một số bất cập, chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước, can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý thống nhất để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa bảo đảm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp tuân thủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động đầu tư theo cơ chế thị trường, linh hoạt, cạnh tranh bình đẳng, công bằng, công khai theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp.
Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, bảo toàn, phát triển và hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm phù hợp với chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư hoặc pháp luật đầu tư công.
Ngoài ra, liên quan đến đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự thảo luật quy định phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là hoạt động đầu tư phát sinh đa dạng, thường xuyên, thể hiện quyền chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đã được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về đầu tư. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát, đảm bảo quy định không trái với quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Dù được kỳ vọng sẽ góp phần tạo sự chủ động, “cởi trói” cho doanh nghiệp, nhưng với những quy định của dự thảo luật cho thấy chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, vẫn còn có sự can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để có những quy định tháo gỡ được những vướng mắc này.
Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng, được các doanh nghiệp rất quan tâm và chờ đợi. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo luật dường như chủ yếu đưa ra các nguyên tắc xác định nguồn, phạm vi, điều kiện, hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Các quy định chi tiết cơ bản đều giao Chính phủ quy định cụ thể. Trong khi đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Do vậy, các quy định này cần quy định ngay trong luật, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này nhằm sớm đưa luật đi vào cuộc sống ngay sau khi được ban hành, tránh xảy ra độ trễ của chính sách.
Cần nhấn mạnh rằng, Nhà nước chỉ đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất.
Để phát huy hiệu quả, việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn phải bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước đầu tư được quản lý, giám sát, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, tỷ lệ nhà nước nắm giữ, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tuyệt đối bảo đảm nguyên tắc “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”. Có như vậy mới tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Đó là mong muốn của người dân, doanh nghiệp khi luật được ban hành.