Bảo đảm hiệu quả, thực chất hoạt động giám sát
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi), thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhất trí với việc tách Điều 14 của Luật Công đoàn năm 2012 thành 2 Điều 15 và Điều 16 trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định về “Tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” và quy định về “Giám sát của công đoàn”. Như vậy, so với luật hiện hành, quyền, trách nhiệm giám sát của công đoàn đã được tách bạch thành 1 điều riêng và quy định cụ thể hơn về công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với MTTQ các cấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát; nội dung, hình thức giám sát; quyền của Công đoàn trong hoạt động giám sát.
Theo đó, Công đoàn không chỉ tham gia, phối hợp mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn; nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của Công đoàn trong hoạt động giám sát xã hội. Quy định trên vừa phù hợp, thống nhất với các quy định của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Tuy nhiên, ngoài quy định trên, cần có những quy định bảo đảm hoạt động giám sát của Công đoàn đạt hiệu quả thực chất, nhất là các kiến nghị sau giám sát phải được các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trong thực tế. Các điểm c, d, đ Khoản 4 Điều 16 dự thảo Luật đã có các quy định khi giám sát công đoàn có một số quyền, trong đó có quyền “kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát”. Đồng thời, Khoản 5 Điều 24 dự thảo quy định Nhà nước có trách nhiệm “kịp thời xử lý những kiến nghị của Công đoàn liên quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động”.
Song đại biểu cho rằng, những quy định trên mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn được thực hiện trong thực tế. Vì bên cạnh quy định Công đoàn có các quyền kiến nghị sau giám sát, còn thiếu các quy định về đối tượng giám sát, quyền, trách nhiệm của các đối tượng được Công đoàn giám sát, nhất là trách nhiệm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn.
Vì vậy, đề nghị sửa lại tên Điều 16 của dự thảo Luật thành “Giám sát của Công đoàn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”, nhằm làm rõ đối tượng được Công đoàn giám sát là các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm 1 điều quy định về quyền, trách nhiệm của đối tượng được Công đoàn giám sát. Trong đó, quy định rõ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Công đoàn giám sát có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Công đoàn; thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát. Khi đó, việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của Công đoàn mới khả thi, thực sự hiệu quả, đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Bổ sung quy định giá trị pháp lý "phản biện xã hội"
ĐBQH Trần Văn Tuấn cũng nhất trí với việc bổ sung quy định mới về quyền, trách nhiệm phản biện xã hội của Công đoàn (Điều 17 của dự thảo Luật). Tuy nhiên, cũng giống như các quy định về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong hoạt động giám sát, đề nghị bổ sung 1 điều quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được phản biện. Trong đó, cần quy định rõ các cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được Công đoàn phản biện có trách nhiệm trả lời, tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện của Công đoàn. Qua đó, bảo đảm tính thực chất, nâng cao hiệu quả phản biện xã hội của Công đoàn.
Cùng thảo luận về nội dung này, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết: “phản biện xã hội” được tách bạch thành quy định riêng trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, nhất là Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn phát huy tính chủ động, nâng cao vai trò của Công đoàn các cấp tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Đặc biệt, là cùng với cơ quan Nhà nước tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, các hoạt động, nhân sự có liên quan đến Công đoàn.
Tuy nhiên thực tế trong những năm qua cho thấy, việc thực hiện "phản biện xã hội" chỉ mới dừng lại ở Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có Công đoàn thực hiện phản biện xã hội gặp nhiều khó khăn, bất cập về thể chế, nhân vật lực, chuyên môn và giá trị pháp lý của kết quả phản biện. Do vậy, đề nghị cần bổ sung quy định về quy trình, cách thức, yêu cầu, giá trị pháp lý "phản biện xã hội" của Công đoàn Việt Nam để việc thực hiện “phản biện xã hội” của tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả sau khi Luật có hiệu lực.