Thành lập doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, về cơ bản đại biểu thống nhất với Báo cáo thẩm tra và giải trình của Ủy ban Thường vụ đối với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu đã đi sâu phân tích, làm rõ nội hàm một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Trước hết, về vấn đề xây dựng và quản lý Thủ đô, đại biểu hoàn toàn thống nhất việc cho phép các cơ sở đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thủ đô được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.
Đồng thời, viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền thì nên cân nhắc đối đối tượng công chức, viên chức nào được phân công, được điều hành thành lập doanh nghiệp bởi đây là một vấn đề hết sức quan trọng vì Luật Công chức, viên chức không cho công chức, viên chức được thành lập doanh nghiệp thêm nhưng đặc thù của Luật Thủ đô thì lại được phép.
"Tôi nghĩ nên có cân nhắc trong lựa việc lựa chọn loại công chức, viên chức sao cho phù hợp, tránh sự chồng chéo lẫn nhau dễ dẫn đến tiêu cực.", ĐBQH Phạm Văn Hoà phân tích.
Đối với việc mở rộng lĩnh vực HĐND thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn do áp dụng trên địa bàn thành phố không phân biệt nội thành, ngoại thành và quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, ĐBQH Phạm Văn Hoà thống nhất cao, tuy nhiên đại biểu cho rằng HĐND thành phố phải có quy định chi tiết, cụ thể loại hình nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng và vi phạm ở mức độ nào thì sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
"Trên thực tế, dịch vụ điện, nước là một nhu cầu rất thiết yếu đối với người dân. Tôi đề nghị nên quan tâm hơn trong lĩnh vực này để làm sao áp dụng cho đúng và không để cán bộ sử dụng một cách tùy tiện.", ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Cân nhắc việc xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi
Riêng đối với việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng trên 1.000 hecta, đất trồng lúa trên 500 hecta và di dân trên 50.000 hecta, ĐBQH Phạm Văn Hoà đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Theo quan điểm của đại biểu thì không nên cho phép chuyển mục đích rừng trên 1.000 hecta và trên 500 hecta đất lúa vì Thủ đô Hà Nội rất cần có một "lá phổi" khoẻ mạnh để cho người dân Hà Nội hưởng. Đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ con số trên 1000ha cụ thể là bao nhiêu và phải có mức trần.
"Tôi nghĩ đây là một vấn đề đề nghị Ban soạn thảo và đặc biệt Thủ đô Hà Nội cần cân nhắc kỹ lưỡng. Theo tôi chỉ cho phép từ 1.000ha rừng trở xuống và 500 ha đất lúa, còn nếu trên nữa phải xin phép cấp có thẩm quyền, như vậy sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay", ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, mặc dù Thủ đô có cơ chế đặc thù nhưng không thể cao hơn nhiều lần so với thực tế. Đặc biệt, các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành đều đóng trụ sở tại Thủ đô Hà Nội nên việc xin ý kiến không có gì khó khăn, trở ngại. Do vậy, đại biểu đề nghị nên có cân nhắc nội dung này một cách thận trọng mặc dù rất ủng hộ Hà Nội có cơ chế đặc thù nhưng phải có lá phổi, cho người dân được hưởng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đối với việc cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi bồi, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí địa lý, không gian văn hóa phù hợp quy hoạch (được quy định tại Điều 21 khoản 6), ĐBQH Phạm Văn Hoà đề nghị Hà Nội cân nhắc việc xây dựng tại bãi sông, bãi bồi và bãi nổi sông Hồng bởi đây là một vấn đề quan trọng, có thể sẽ ảnh hưởng tới vấn đề dòng chảy rất lớn. Đại biểu cho rằng Thủ đô Hà Nội không nhất thiết vì phải sử dụng bãi sông, bãi bồi, bãi nổi ở sông Hồng để xây dựng khu trung tâm công nghiệp văn hóa mà có thể chọn lựa những địa điểm khác để tiến hành xây dựng để tránh làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân.
Quan điểm của ĐBQH Phạm Văn Hoà là hoàn toàn phù hợp với các quy định được xây dựng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Theo đó, dự thảo luật cho phép UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Đồng thời, phân quyền cho UBND Thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18).
Với tỷ lệ đồng thuận rất cao (462/470 đại biểu có mặt tán thành, tỷ lệ 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội Khóa XV đã chính thức thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.