Chính sách phát triển khoa học, công nghệ có nhiều đột phá
Theo ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội), hiện các cơ sở giáo dục đại học cũng như cơ sở khoa học công nghệ, các viện, trường trên địa bàn Thủ đô đang có dư địa rất lớn để hình thành các hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm, qua đó phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô. "Hiện Hà Nội là nơi tập trung 80% cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức khoa học công nghệ công lập và 70% tổng số cán bộ các nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên của cả nước. Đây được coi là tiềm năng rất lớn và chính sách này cũng phù hợp với xu thế chung trên thế giới", ĐBQH Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đánh giá nước ta có sự phát triển rất nhanh mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Do đó, chính sách phát triển khoa, học công nghệ và đổi mới sáng tạo hoàn toàn phù hợp và bắt nhịp được xu thế phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ trên thế giới. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của chính sách, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát và chỉnh lý để đảm bảo sự thống nhất với các luật có liên quan, như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học - Công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, ĐBQH Tạ Đình Thi cũng đồng tình việc luật hóa, bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật. Có thể thấy, Điều 25 là một trong hai điều dài nhất, quy định chi tiết nhất trong Dự thảo Luật, nhưng điều này là cần thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý phát huy vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, so với Dự thảo Luật do Chính phủ trình thì Dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý các quy định về những vấn đề cốt yếu như khái niệm thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; các giới hạn thử nghiệm về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng tham gia thử nghiệm (khoản 1); điều kiện và các nguyên tắc để được cấp phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát (khoản 3); quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức tham gia thực hiện thử nghiệm; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm và các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm của các tổ chức này (các khoản 3 và 7); về quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội (các khoản 5 và 6).
Tuy nhiên, vẫn còn hai nội dung mà ĐBQH Tạ Đình Thi cảm thấy còn một số băn khoăn. Thứ nhất, về phạm vi đối tượng được thử nghiệm, đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ hơn quy định giới hạn về các lĩnh vực được phép thử nghiệm theo cách liệt kê cụ thể trong dự thảo Luật và về không gian thử nghiệm (quy định chỉ thử nghiệm trong khu công nghệ cao) như Dự thảo Luật do Chính phủ trình. Thực tế phát triển như hiện nay của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy định như vậy sẽ nhanh chóng bị lạc hậu.
Thứ hai, về quy định HĐND có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, các bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm, phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm (tại khoản 5 Điều 25), quy định này là cần thiết để tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, nhưng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND TP. Hà Nội trong việc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả và quá trình thực hiện.
Vận hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát một cách có hiệu quả
Cũng quan tâm đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đánh giá cao quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đại biểu cho rằng đây là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Theo khoản 3 Điều 25 của Dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực với 4 điều kiện, do đó, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.
"Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời, đề nghị xem xét chưa cho thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia hay lĩnh vực biến đổi/chỉnh sửa gen người... Trường hợp vẫn cho phép các lĩnh vực này được thử nghiệm thì cần bổ sung quy định lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trước khi cấp phép", ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Về liên kết, phát triển Vùng (Chương V), đại biểu chỉ rõ, tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật giải thích: Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định. Đồng thời, Dự thảo dành Chương V từ Điều 44 đến Điều 47 quy định mối quan hệ của Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng. Theo phân tích của đại biểu, vùng đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9.1.2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia gồm Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25.1.2014 của Thủ tướng gồm Hà Nội và 6 tỉnh, thành phố. Vùng động lực phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 thì bao gồm Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua 5 tỉnh, thành phố...
"Như vậy, mỗi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, thế mạnh cũng như đặc thù khác nhau. Theo đó, nội dung và cơ chế liên kết của Thủ đô trong mỗi Vùng cũng phải khác nhau. Tuy nhiên, các quy định của Dự thảo lại chưa thể hiện sự khác nhau này.", ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa phân tích.