Phát triển đồng bộ, bài bản các khu công nghệ cao
Với vai trò là đầu tàu về khoa học - công nghệ của cả nước, việc phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hoàn toàn tương xứng với vị trí là hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, là điểm thử nghiệm thí điểm, rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao trong cả nước.
ĐBQH Lý Thị Lan hoàn toàn tán thành các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho UBND thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao và ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập, phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển của Thủ đô. Đại biểu cũng đồng tình với việc quy định nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao; các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao đến làm việc tại khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ĐBQH Lý Thị Lan cũng đồng tình với việc dự thảo luật bổ sung hoàn thiện những quy định mang tính đột phá vượt trội tại khoản 2 và khoản 3 Điều 24, giúp cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội và lợi thế để phát triển, trong đó nổi bật là 2 nhóm giải pháp cụ thể. Thứ nhất, đó là nhóm quyết định vượt trội về bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là việc xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Trong đó, Điểm a khoản 2 quy định cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo, phù hợp với mục tiêu chính của Khu công nghệ cao Hòa Lạc bởi theo dự báo đến năm 2030 thì có từ 5 - 7 dự án và đến năm 2045 thì có từ 12 - 15 dự án sản xuất sẽ chuyển đổi mục tiêu.
"Quy định đặc thù về việc xác nhận và sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực hợp pháp trong nghiên cứu phát triển liên doanh, liên kết", ĐBQH Lý Thị Lan nhấn mạnh
Thứ hai, đối với nhóm các quy định về vị trí pháp lý của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các quy định phân quyền của chính quyền thành phố cho Ban Quản lý khu công nghệ cao trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng tại khoản 3, tương xứng với vị trí là một tổ chức hành chính trực thuộc UBND thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ cao trên địa bàn thủ đô.
Nâng cao năng lực quản lý, sử dụng đất tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc
Đáng chú ý, ĐBQH Lý Thị Lan cũng nhất trí cao Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 chuẩn bị có hiệu lực thi hành, trong đó có những quy định mới khác với quy định của Luật Đất đai năm 2013 đang được thực hiện tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhưng chưa có quy định chuyển tiếp.
Tuy nhiên, về nội dung quy định chuyển tiếp, đại biểu đã nêu 3 đề xuất chỉnh lý, bổ sung. Thứ nhất, đó là rà soát, chỉnh sửa quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 54 theo nguyên tắc đảm bảo tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong quản lý đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch thông qua việc cho phép tất cả các nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đều trực tiếp thuê đất của Nhà nước như hiện nay đang thực hiện, thay vì quy định các chế độ quản lý đất đai khác nhau đối với từng khu chức năng như quy định tại điểm a, b, c khoản 5 Điều 54 dự thảo.
"Theo đó, có khu vực được tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện hành, nhà đầu tư trực tiếp thuê đất của Nhà nước. Quy định tại điểm a khoản 5 có khu vực người sử dụng đất bao gồm cả nhà đầu tư, cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục phải thuê lại đất của chủ đầu tư hạ tầng theo quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 điểm c khoản 5 và không còn được hưởng các ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất", ĐBQH Lý Thị Lan phân tích.
Thứ hai, cần bổ sung quy định chuyển tiếp về việc khu công nghệ cao Hòa Lạc được tiếp tục thực hiện các quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 1998, điều chỉnh 2 lần vào năm 2008 và 2016 để đảm bảo tính liên tục, kế thừa và ổn định trong việc thực hiện quy hoạch và phát triển đồng bộ Khu công nghệ cao Hòa Lạc, phù hợp với mục tiêu không thay đổi từ khi thành lập tới nay.
Thứ ba, bổ sung quy định chuyển tiếp về thẩm quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quản lý đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bao gồm thẩm quyền quản lý quỹ đất công nghệ cao Hòa Lạc đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm quyền giao lại đất, không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thu hồi đất trong các trường hợp Luật Đất đai quy hoạch, quản lý quỹ đất đã thu hồi, quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai khu công nghệ cao.
"Việc bổ sung quy định chuyển tiếp này sẽ không gây ra sự xáo trộn, đứt quãng trong quản lý, tạo thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả cơ chế 1 cửa tại chỗ, tăng cường tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm của Ban Quản lý Khu công nghệ cao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.", đại biểu Lý Thị Lan nêu quan điểm.