Trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15) đã phân tích khá rõ về ưu, nhược điểm của 2 phương án đưa ra về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản. ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhất trí với phương án giữ nguyên quy định giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản như luật hiện hành. Bởi, quy định như vậy sẽ bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về gắn kết chặt chẽ hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Theo đại biểu, phương án giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản và có sự phân công tách biệt giữa khoáng sản nhóm I, nhóm II sẽ bảo đảm hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín (một bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản, như phương án chỉ giao cho một bộ).
Ngoài ra, bảo đảm gắn kết giữa công tác lập quy hoạch với việc tổng hợp thông tin, số liệu, đánh giá và xác định nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản. Đồng thời, quy định này cũng bảo đảm được sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dẫn chứng thực tế, đại biểu Ngọc cho rằng, hiện nay, chúng ta đã duy trì tính ổn định trong việc phân công trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các bộ, địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc phối hợp giữa các bộ liên quan trong việc lập quy hoạch. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và có những quy định rõ hơn để việc phối hợp được hiệu quả.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc quy định các trường hợp phải điều chỉnh và không phải điều chỉnh quy hoạch là cần thiết để khắc phục những bất cập hiện nay về quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương.
Theo Luật Quy hoạch 2017 thì việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản sẽ chỉ được thực hiện 5 năm một lần, trong khi đó, lĩnh vực khoáng sản có những điểm đặc thù riêng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều quy hoạch khác của Trung ương và địa phương nên cần có điều chỉnh, cập nhật, bổ sung thường xuyên để bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, quy định các trường hợp không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong quy hoạch tỉnh sẽ giúp cho việc bổ sung kịp thời các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong quy hoạch tỉnh tại địa phương để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.
Cơ bản bán thành với những bổ sung của dự thảo Luật về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cá nhân, cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 9), đại biểu Ngọc cho rằng, quy định này góp phần tăng cường sự tham gia giám sát của Nhân dân đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, so với Điều 5 Luật hiện hành thì dự thảo Luật không quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập kết quả thực hiện trách nhiệm của các tổ chức khai thác khoáng sản.
Theo đại biểu, hiện nay, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản trong bảo vệ môi trường (Điều 62), tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định mức tối thiểu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hàng năm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức khai thác tài nguyên khoáng sản đối với địa phương nơi khai thác khoáng sản.