Nghiên cứu hồ sơ dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hóa) nhận thấy, nếu dự thảo Luật được thông qua có thể giải quyết hầu hết những vướng mắc, bất cập. Đồng thời, bổ sung thêm nhiều vấn đề mới bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ĐBQH Lê Văn Cường cho biết, Khoản 5, Điều 1 dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7, Luật Dược (2016). Trong đó, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên, hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học; chuyển giao công nghệ; ưu đãi đầu tư, tài chính, đấu thầu; chính sách thuế; hồ sơ, thủ tục; phân phối; đào tạo nhân lực...
Theo đánh giá của đại biểu, để bảo đảm tính khả thi, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ này cần được quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ để được thụ hưởng các ưu đãi, hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay tại Luật Dược hiện hành cũng như dự thảo Luật đang xây dựng lại chưa quy định chi tiết các chính sách này hoặc chưa có dẫn chiếu tới quy định của các Luật khác có liên quan. Do vậy, rất cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết.
Đối với các quy định liên quan tới hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, dự thảo Luật có quy định bổ sung hình thức kinh doanh dược là chuỗi nhà thuốc. Theo đó, Khoản 47, Điều 2 bổ sung thêm việc giải thích về hình thức này như sau: “Chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra”.
Đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, thực tế việc kinh doanh dược có thể được tiến hành bởi nhiều loại chủ thể khác nhau như: các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình và các cá nhân. Như vậy, việc kinh doanh dược không chỉ có các doanh nghiệp và việc kinh doanh chuỗi nhà thuốc cũng không thể chỉ là các doanh nghiệp. Quy định như dự thảo Luật có thể làm giới hạn quyền kinh doanh của một số chủ thể khác khi họ đáp ứng đủ các điều kiện Luật định và gián tiếp giới hạn việc tiếp cận thuốc của người dân. Do đó, cần xem xét sửa đổi lại cụm từ “doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc” thành “cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc” để vừa bảo đảm tính thống nhất trong cách sử dụng từ ngữ của Luật đó là “cơ sở kinh doanh dược” vừa bảo đảm tính chính xác và bao quát đối với các chủ thể kinh doanh.
Đại biểu Lê Văn Cường cũng đánh giá, việc dự án Luật bổ sung quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hết sức cần thiết. Điều này vừa hướng tới việc Luật hóa để điều chỉnh các vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định pháp lý vừa bảo đảm quyền tiếp cận thuốc của người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với sự đa dạng trong lựa chọn.
Tuy nhiên, việc kinh doanh dược nói chung và kinh doanh thuốc nói riêng là mặt hàng hết sức đặc thù vì có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân. Đại biểu nhấn mạnh, đối với kinh doanh dược thông thường đã có những quy định hết sức chặt chẽ thì với kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử càng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, đặc thù hơn.
Nghiên cứu các quy định về sửa đổi Khoản 2, Điều 6; Điểm a, Khoản 1, Điều 32; bổ sung Khoản 1a và Khoản 4, Điều 42 liên quan kinh doanh dược thông qua phương thức thương mại điện tử, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, đó mới chỉ là những quy định rất chung chưa có tính đặc thù, chưa chặt chẽ đối với kinh doanh dược. Trong khi cách thức tổ chức, điều kiện con người, cơ sở vật chất để vận hành giao dịch bao gồm cả thuốc và nguyên liệu làm thuốc; trách nhiệm pháp lý của các bên; chủng loại thuốc, dược liệu được phép giao dịch hoặc hạn chế giao dịch theo phương thức thương mại điện tử... lại chưa được quy định cụ thể.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị, việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn nữa để có đủ cơ chế kiểm soát, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của người dân.