Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị hiện đại, mang tính kết nối vùng
Theo đại biểu, trọng tâm của Hà Nội là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô. Việc này sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân và những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt công cộng.
Ngoài ra, khi mạng lưới đường sắt phát triển sẽ kết nối với các vùng ngoại thành, qua đó tự động giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô chuyển ra phát triển ở những vùng đô thị mới. Đặc biệt, hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam và sẽ biến các tỉnh, đô thị này trở thành những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung, tăng khả năng kết nối.
Theo phân tích của đại biểu, khi đã có được một hệ thống đường sắt có tính kết nối cao thì hoàn toàn có thể xây dựng nên những mô hình đô thị hiện đại với các khu chung cao tầng thay thế những khu chung cư cũ. Cùng với đó là việc phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới các khu đô thị cao tầng trở thành một khu thương mại dịch vụ - đây được coi là những khu phố ngầm còn trên mặt đất thì trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển không gian công cộng.
"Đây mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không để tồn tại như những khu chung cư cũ hay khu nhà phố chật chội hiện nay. Tôi cho rằng, việc này không cần tốn tiền bởi nếu chúng ta có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo lại các đô thị.
Bên cạnh đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, Hà Nội phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, đồng thời phải bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường phải là nước sạch, không có ô nhiễm nữa. Để làm được việc này đòi hỏi phải triển khai ngay việc xây dựng 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và sông Đuống - việc này đã có trong quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhiều lần đề xuất.
"Khi chúng ta xây dựng 2 đập này thì tự nhiên mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao lên và nó sẽ đẩy nước vào các sông như sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải và tự động làm hệ thống sông này sống lại", ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích.
Tập trung phát triển kinh tế đêm
Đáng chú ý, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, khi chúng ta xây dựng 2 đập tràn có ý nghĩa rất lớn khi hàng năm chúng ta tiết kiệm hàng tỷ mét khối nước của các hồ khi không phải xả nước vào mùa cạn. Đồng thời, cả khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ có nước để sản xuất nông nghiệp, có nguồn nước phục vụ phát điện và mặt sông của khu vực Hà Nội trở thành một mặt hồ tràn và khi đó chúng ta có thể xây dựng 2 con đường di sản hai bên sông như quy hoạch. Một bên là con đường để thể hiện lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô với các các câu chuyện lịch sử, trở thành một không gian cho du lịch, không gian văn hóa, không gian để tổ chức những các hoạt động thương mại, dịch vụ ở bên sông. Một bên sông sẽ xây dựng con đường di sản quy tụ, thể hiện những hình ảnh về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam...
"Nếu chúng ta cứ phân định ra mỗi một tỉnh, thành khoảng 100m bề ngang thì chúng ta sẽ thấy được hình ảnh của cả 63 tỉnh thành của cả đất nước được hội tụ trên bề mặt sông Hồng. Việc này hoàn toàn có thể không mất tiền, các nhà đầu tư, các tỉnh thành có thể dồn sức vào đây để làm nên cảnh quan sông Hồng trở thành một trục trung tâm", ĐBQH Hoàng Văn Cường hiến kế.
Ngoài ra, trong quy hoạch có chỉ ra trục phát triển Hồ Tây - Cổ Loa là một trục kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình và trung tâm hành chính mới của thành phố Hà Nội ở phía Bắc sông Hồng. "Hiện nay chúng ta biết rằng trung tâm hành chính của Hà Nội đang phân tán rất nhiều sở, ngành ở các nơi, khi đó chúng ta sẽ đẩy được trung tâm phát triển về phía Bắc, tạo ra được kết nối giữa 2 bên", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Đáng chú ý, đại biểu cũng cho rằng hiện nay chúng ta không có một không gian nào để làm đại lộ, quảng trường, nơi tụ họp xây dựng những công trình lớn... Chính trục đại lộ quảng trường kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình với trung tâm hành chính của thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ tạo nên một nơi hội tụ của người dân ở những dịp lễ hội.
ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng chỉ rõ phải có một cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ bởi nếu chúng ta muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này thì chúng ta phải hỗ trợ cho họ về nơi ở và phải thực hiện cơ chế là không thu hồi nhà của những người dân này. Nếu được hỗ trợ như thế thì tự những người dân sẽ dành không gian này trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại và tài sản vẫn của người dân khi họ có thể tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, trở thành những nơi để kinh doanh ăn uống.
"Như vậy chúng ta sẽ phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm. Đó sẽ là những điểm tạo ra được động lực phát triển rất lớn của Thủ đô.", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.