Quỹ đất sau di dời không sử dụng làm chức năng để ở
Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Phan Đức Hiếu đã làm rõ hơn, khả thi hơn và bảo đảm tính tương thích giữa Luật Thủ đô và các Luật liên quan. Cụ thể, liên quan đến điểm a khoản 5 Điều 18 với nội dung liên quan đến việc các cơ quan, cơ sở, đơn vị phải di dời thì quỹ đất còn lại sẽ sử dụng vào mục đích xây dựng không gian công cộng và văn hóa, đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ mà nên bổ sung thêm là “nhằm phát huy giá trị văn hóa và du lịch”, tức là bổ sung thêm ý du lịch sau văn hóa.
Theo đại biểu, lý do đơn giản vì văn hóa trong một số trường hợp đã bao gồm mục tiêu là du lịch, nhưng trong một số trường hợp cụ thể không nói rõ du lịch thì giá trị du lịch lại lớn hơn giá trị văn hóa. "Tôi đề nghị nên bổ sung thêm mục tiêu là "văn hóa, du lịch và không sử dụng chức năng để ở", như vậy sẽ đầy đủ và rõ ràng, khả thi.", ĐBQH Phan Đức Hiếu đề xuất.
Về hai nội dung của khoản 2 Điều 24, đại biểu bày tỏ nhất trí với ý kiến thứ nhất liên quan đến điểm b, đó là về việc cho phép thực hiện hình thức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với đất ở khu công nghệ cao.
Đối với phần đất theo Luật Đất đai phải đấu giá, đại biểu có 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất là điểm b cần phải bổ sung vào đây thẩm quyền ai sẽ quyết định danh mục dự án này để tổ chức đấu thầu. Nếu không quy định thẩm quyền mà chỉ nói là được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với khu vực đất đấy thì sau này sẽ tranh cãi thẩm quyền của HĐND hay UBND? "Tôi nghĩ cần quy định rõ danh mục dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND hay UBND", đại biểu nêu quan điểm.
Ý kiến thứ hai liên quan đến nội dung, cụ thể là về câu chữ, ĐBQH Phan Đức Hiếu đề nghị rà soát khoản 2 để bảo đảm hoàn toàn tương thích với Luật Đất đai liên quan đến việc đấu giá và giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu đối với dự án có sử dụng đất.
Trên thực tế, theo tinh thần của Luật Đất đai thì sẽ tiếp cận theo nguyên tắc là đối với quỹ đất thuộc diện phải đấu giá hoặc đấu thầu thì luật phân định rõ là đấu thầu và đấu giá theo nguyên tắc là ngoài trường hợp đấu thầu thì sẽ thực hiện việc đấu giá. "Nếu như quy định của Luật Thủ đô như thế này thì tôi hiểu là dự án này sẽ thuộc cả 2 điều kiện là ngoài trường hợp đấu thầu nhưng lại thuộc phần đất phải đấu giá. Như vậy thì chúng ta làm sao để thể hiện rõ tinh thần luật này sẽ phù hợp với Luật Đất đai", ĐBQH Phan Đức Hiếu phân tích.
Góp ý nội dung liên quan đến khoản 2 Điều 24 và điểm c, đại biểu cho rằng ở đây có cho phép là một số dự án ở trong khu công nghệ cao này đang thực hiện nhưng nay được chuyển mục tiêu sang mục tiêu khác, ở đây chúng ta dùng cụm từ là "chuyển đổi mục tiêu" nhưng đại biểu cho rằng chưa đủ rõ ràng và sẽ gây tranh cãi. "Tôi đề nghị chuyển cụm từ này bằng cụm từ là "chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án sang thực hiện dự án khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và nhất quán trong việc thực thi.", ĐBQH Phan Đức Hiếu đề xuất.
Quy hoạch Thủ đô theo hướng phát triển, hiện đại
Đánh giá cao các cơ quan có liên quan đến Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh đến sự cần thiết lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô như Tờ trình số 341 và 342 của Chính phủ. Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật quy hoạch, việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.
“Về thẩm quyền của Quốc hội, căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Quy hoạch và khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô, việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung là phù hợp với pháp luật.”, ĐBQH Trần Văn Tiến nêu quan điểm.
Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đại biểu cho biết: qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy bảo đảm theo Quyết định số 313 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô và theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, về sự phù hợp của quy hoạch với nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, nghiên cứu hồ sơ Quy hoạch Thủ đô cho thấy cơ bản phù hợp với nhiệm vụ tại Quyết định số 313 của Thủ tướng Chính phủ, như về tên, thời kỳ quy hoạch, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập và phương pháp lập quy hoạch và về danh mục, nội dung, thành phần hồ sơ.
Tuy nhiên, về phạm vi quy hoạch đối với diện tích đất tự nhiên còn có sự chênh lệch so với nhiệm vụ quy hoạch và thời gian lập quy hoạch không đáp ứng theo tiến độ. Đối với nội dung lập quy hoạch, đại biểu đồng tình với các nội dung lập quy hoạch, như căn cứ lập quy hoạch, về quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực khác...
ĐBQH Trần Văn Tiến cho rằng, cần tập trung làm rõ thêm về nội dung, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên cần làm rõ thêm các yếu tố, các điều kiện đặc thù quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Đáng chú ý, khi đánh giá thực trạng đối với nội dung này, đại biểu đề nghị làm rõ thêm kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn so với mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1081 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cần chỉ rõ những chỉ tiêu nào đạt và không đạt, đồng thời đánh giá lại các tiêu chí về kinh tế - xã hội xem còn tiêu chí nào chưa đạt theo Quyết định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, ĐBQH Trần Văn Tiến cơ bản đồng tình với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển không gian, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, về đánh giá hiện trạng cần làm rõ thêm về kết quả sau 11 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội. Đồng thời, cần đánh giá lại các tiêu chí về đô thị xem còn tiêu chí nào chưa đạt theo quyết định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.