Quy hoạch hệ thống y tế để phục tốt nhất cho người dân
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), trong các quy định của dự thảo Luật Thủ đô có nêu rõ Hà Nội được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Đồng thời, phân quyền cho UBND thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18).
Ngoài ra, trong dự thảo luật cũng quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn thành phố, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng đồng tình và đánh giá cao việc cải tạo khu chung cư cũ bởi đây là hành động cấp thiết trong tình hình hiện này, nhất là khi tình trạng cháy nổ đang diễn ra hết sức nghiêm trọng và khó lường. Ngoài ra, các nội dung như giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông; xử lý vấn đề nước thải, rác thải... cũng được nhắc tới trong dự thảo luật cũng là căn cứ hết sức quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô sau này.
Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng đề cập đến một số tồn tại cần sớm được tháo gỡ, nhất là khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực và đi vào triển khai. Trước hết, đó là vấn đề quy hoạch lại thành phố cần quan tâm tới việc quy hoạch đường xá rộng rãi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ hay các vấn đề nghiêm trọng khác. Mặt khác, việc xây dựng đường trên cao chỉ nên được tiến hành ở những nơi có mật độ dân cư cao, có nhiều nhà cao tầng, hiện đại. Còn những khu phố cổ, phố cũ trong trung tâm thì không nên làm đường trên cao vì sẽ ngăn cản tầm nhìn và làm xấu thành phố.
Riêng đối với việc quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng đây là quy hoạch y tế không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà đây còn là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả một quốc gia vì hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung ở đây. Theo đại biểu, các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa thì nên có những trung tâm y khoa. Đồng thời, nên di chuyển ra xa khu vực trung tâm, lựa chọn những nơi có hệ thống đường xá thật tốt... Các quận, huyện phải có bệnh viện đa khoa dưới 500 giường; các phòng khám đa khoa thì phải có ở khắp các khu dân cư và càng gần dân càng tốt, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nhỏ đến mấy lúc cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi...
Đối với vấn đề giao thông, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất cần phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), có thể kết nối tất cả các vùng miền cả nước bằng nhiều loại hình giao thông như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không... Riêng về không gian ngầm cần có một đồ án riêng, nên mời chuyên gia thật giỏi, có thể là quốc tế ở các nước tiên tiến để làm quy hoạch và vẽ đồ án.
Văn hóa Thủ đô phải thực sự tỏa sáng
ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn trong phát triển văn hóa không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội.
Cụ thể, Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của thành phố Hà Nội hay Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định cho các cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội. Trong đó, có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.
“Tôi mong rằng, phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác…
Khi những chính sách này thực sự có ý nghĩa, có thể giải quyết khó khăn cho các thiết chế văn hóa, thể thao này thì chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa”, ĐBQH Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Còn ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất việc giao cho Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, về biên chế tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, theo tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô, do đó đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.
Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần chú ý, tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.