Đó là kiến nghị của Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn
ĐBQH Lã Thanh Tân cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đối với dự ánLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đối với nội dung phát triển ngành công nghiệp dược, đại biểu cho rằng, những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong Luật Dược hiện hành, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển, bước đầu ngành công nghiệp dược nội địa có kết quả. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ năng lực cạnh tranh, thủ tục hành chính trong đầu tư và kiểm soát thị trường, nguồn nguyên liệu...
Để khắc phục bất cập, hạn chế, dự thảo Luật tiếp tục bổ sung khá nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước thông qua việc sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản trong Điều 7, Điều 8 và Điều 10 Luật Dược hiện hành.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn cần tiếp tục rà soát để các quy định được bổ sung để có tính đồng bộ và giải quyết được những tồn tại, khó khăn nhất trong phát triển ngành công nghiệp dược nội địa. Đồng thời, vẫn tạo điều kiện thông thoáng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, được sử dụng các nguồn thuốc nhập khẩu chất lượng cao và các loại thuốc, dược phẩm, dược liệu quý hiếm.
Đối với việc kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc: Luật hiện hành đang có rất nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua/bán thuốc tại các quầy thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua/bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Việc người bán thuốc “tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn” cho người mua thuốc dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y/dược, kể cả với các loại biệt dược còn khá phổ biến; dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc...
Chỉ ra thực tế này, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế.
Về kinh doanh thuốc trên mạng: dự thảo Luật đã bổ sung thêm khá nhiều quy định liên quan đến việc quản lý kinh doanh thuốc online. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.
Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Y tế trong phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội
Đối với vấn đề quảng cáo thuốc trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đại biểu cho rằng, thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng hiện nay khá tuỳ tiện, không được kiểm soát chặt chẽ, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Hai hình thức quảng cáo phổ biến nhất là: mượn danh các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ có uy tín hoặc người nổi tiếng để quảng cáo; hoặc đưa ví dụ, hình ảnh một người bị bệnh, được người khác (không phải là chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ) giới thiệu truyền miệng, mách bảo loại thuốc này, thuốc kia tốt và họ mua để sử dụng.
Thực tế cho thấy, trách nhiệm quản lý các hoạt động quảng cáo này, đặc biệt là quản lý về nội dung có vẻ như đang chồng chéo và bị buông lỏng giữa các bộ, ngành. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc dự thảo Luật đề xuất bãi bỏ một số quy định về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, xác nhận nội dung… về thông tin, quảng cáo thuốc cần phải được tính toán cẩn trọng, vì chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất khó kiểm soát.
Hoạt động quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng đối với thuốc, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Y tế từ khâu phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, app (ứng dụng) của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này. Cần phải có các quy định rất rõ ràng để tránh tình trạng bán các thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.
Khoản 17 Điều 1 bổ sung thêm khoản 1a sau khoản 1 Điều 42 Luật hiện hành để quy định cụ thể đối với việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và bổ sung thêm Khoản 4. Trong đó, tại điểm d Khoản 4 có quy định “Không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại khoản 1a Điều này”. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị rà soát lại tính phù hợp của quy định này so với một số Luật hiện hành như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, với sự phổ biến và đa dạng của mạng xã hội và những tiện ích như hiện nay, việc quy định như dự thảo Luật vừa làm hạn chế quyền cũng như cơ hội khai thác thế mạnh, tiện ích của mạng xã hội đối với các chủ thể kinh doanh dược như một loại hàng hóa; đồng thời, khó có thể kiểm soát triệt để việc cấm, dẫn đến nhờn Luật khi thực hiện. Đề nghị nghiên cứu, có quy định chế tài giám sát cụ thể hoạt động kinh doanh này thay vì quy định cấm như dự thảo – ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh.