Gỡ vướng trong triển khai Luật Thủ đô hiện hành
Theo ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ khá đầy đủ các ý kiến thảo luận, tham gia tại kỳ họp thứ 6. Góp ý làm rõ một số nội dung, ĐBQH Nguyễn Phi Thường đánh giá, trong thực tiễn thời gian vừa qua khi triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách được định hướng quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, có nhiều nội dung vướng phải các quy định pháp luật, các luật khác có liên quan dẫn đến không mang tính khả thi, mất đi tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai được. Vấn đề này cũng đang là khó khăn, vướng mắc đối với thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và nguyên nhân là do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể khi triển khai áp dụng.
Để làm rõ hơn một số vấn đề, ĐBQH Nguyễn Phi Thường dẫn chứng, khi Luật Thủ đô năm 2012 được thông qua, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Khóa XIII của Hà Nội là đồng chí Phạm Quang Nghị đã rất kiên quyết, kiên trì bảo vệ điều khoản liên quan đến điều kiện cư trú để làm giảm việc tăng dân số cơ học ở Thủ đô. Đây chính là ưu điểm vượt trội nhưng sau này Luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn thi hành gần như xóa sổ điều này trong Luật Thủ đô. "Mỗi năm Thủ đô ghi nhận gia tăng dân số cơ học khoảng 200.000 người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng của thành phố. Từ đây, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống", ĐBQH Nguyễn Phi Thường nêu dẫn chứng.
Do đó, đại biểu thống nhất rất cao nội dung quy định tại Điều 4 về áp dụng Luật Thủ đô tại dự thảo luật lần này, đặc biệt là nội dung quy định tại khoản 3 bởi đây là các nội dung đề cập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn đã kéo dài và được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu quả, thực sự là những chính sách vượt trội, khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4 áp dụng đối với trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết Quốc hội về cùng một vấn đề mà chưa bao quát hết trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung của Luật Thủ đô hay văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô. Vì vậy, quy định tại khoản 3 Điều 4 là hết sức cần thiết bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương là chính quyền thành phố Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện. Do đó không thể tránh khỏi có trường hợp cùng một vấn đề, đồng thời có cả quy định trong các văn bản quy định chi tiết hay thực hiện thẩm quyền Luật Thủ đô giao và quy định trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các bộ chuyên ngành.
"Trong trường hợp này, cần xác định rõ văn bản được ban hành theo quy định của Luật Thủ đô được áp dụng để minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể trong quá trình thi hành pháp luật. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 4 mới chỉ xử lý được các trường hợp có quy định khác giữa Luật Thủ đô với các luật khác mà chưa thể hiện rõ nguyên tắc áp dụng đối với các văn bản dưới luật", ĐBQH Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư
Làm rõ một số nội dung còn vướng mắc trong thực tế, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho biết, về thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao, nội dung quy định tại Điều 40 của dự thảo hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư đã được quy định tại khoản 5 Điều 40 của dự thảo. Với 2 quy định là quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động công trình khi dự án đầu tư hoàn thành và hai là nhà đầu tư chỉ được cấp phép triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất khi dự án đầu tư đã hoàn thành và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nội dung này, đại biểu cho rằng các điều khoản trên sẽ hết sức khó khăn cho nhà đầu tư, nếu không muốn nói là đánh đố nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu cập nhật, chỉnh lý nội dung này theo hướng, đó là ưu tiên sử dụng quỹ đất thuộc vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động công trình khi dự án đầu tư hoàn thành để thanh toán cho nhà đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư chỉ được cấp phép triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất khi dự án đầu tư theo hợp đồng BT đã được khởi công và đầu tư hoàn thành tối thiểu 50% giá trị hợp đồng, trong mọi trường hợp dự án đối ứng chỉ được khai thác, sử dụng bao gồm cả kinh doanh khai thác khi dự án đầu tư theo hợp đồng BT đã hoàn thành và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với tỷ lệ đồng thuận rất cao (462/470 đại biểu có mặt tán thành, tỷ lệ 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội Khóa XV đã chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.