Đó là nhấn mạnh của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua.
Cần cơ chế bảo đảm tính xác thực, hợp pháp hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các trường hợp phải công chứng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đại biểu, doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong xã hội. Tuy nhiên, các giao dịch thỏa thuận dân sự để hình thành nên doanh nghiệp hay việc mua bán, sáp nhập lại chưa được quy định phải công chứng. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua nhiều trường hợp thành lập, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã diễn ra. Vụ án Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập hồ sơ vay vốn khống, thuê người đứng tên cổ phần là một trong những điển hình về tình trạng giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp đã và đang diễn ra, dẫn đến nhiều vụ án liên quan và để lại hậu quả rất lớn trong thời gian qua.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) về giải thích từ ngữ thì công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Các quy định hiện hành về doanh nghiệp không có quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, lợi dụng các thủ tục thông thoáng về thành lập doanh nghiệp, nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn... Vì vậy, cùng với thúc đẩy sự phát triển về số lượng doanh nghiệp, việc bảo đảm an toàn pháp lý và sự phát triển lành mạnh, bền vững của doanh nghiệp rất cần thiết. Một trong những biện pháp trước tiên là cần có cơ chế bảo đảm về tính xác thực và hợp pháp của hồ sơ thành lập doanh nghiệp – đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Hạn chế tình trạng thành lập công ty ma
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên cơ quan này không có cơ chế đánh giá tính hợp pháp, xác thực các giao dịch của hồ sơ. Đơn cử như xác định những ai là cổ đông hoặc thành viên góp vốn giao dịch đó thực sự có được sự đồng thuận theo đa số của thành viên hay không, hoặc văn bản đó có đúng do các thành viên ký hay không hay bị ký thay, giả chữ ký... Vì vậy, với chức năng của công chứng như đã nêu ở trên thì việc quy định bắt buộc công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp… như là một giải pháp hàng đầu cần được xem xét, tính đến để bảo đảm tính hợp pháp, xác thực trong thành lập doanh nghiệp.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân nhấn mạnh: quy định bắt buộc công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản nội bộ doanh nghiệp sẽ khắc phục được tình trạng giả chữ ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hạn chế tình trạng thành lập công ty ma và tình trạng lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; kiểm soát được việc khai vốn điều lệ, ngăn chặn được hợp thức hóa hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp. Ngoài ra, tránh tình trạng người đại diện theo pháp luật lạm quyền dẫn đến các giao dịch vô hiệu cũng như việc lập khống các chứng nhận cổ phần, chứng nhận góp vốn để chuyển nhượng trái pháp luật.
Một vấn đề khác, theo đại biểu Lã Thanh Tân, hiện nay các giao dịch hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật và các văn bản như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Vì vậy, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng như đã nêu ở trên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo luật. Quy định này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức... ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh.