Tăng từ 95 lên 125 đại biểu HĐND thành phố
Góp ý để hoàn thiện thêm dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Trần Chí Cường nhấn mạnh, về giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy tổ chức thuộc UBND quy định ở Điều 9 là hoàn toàn phù hợp bởi thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý, đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài ra, Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị đặc biệt, yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là thủ đô của đất nước. Đồng thời, với vị trí là đô thị đặc biệt, có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn...
"Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định, chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.", ĐBQH Trần Chí Cường nêu rõ.
Cũng theo đại biểu, Dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số ĐBQH, đồng thời có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không vượt quá 10% (tương đương với 1 cơ quan theo khung quy định của Chính phủ).
"Như vậy, một mặt bảo đảm cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, mặt khác cũng giới hạn không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.", ĐBQH Trần Chí Cường phân tích.
Về cơ cấu tổ chức đại biểu của HĐND thành phố (quy định tại Điều 9), Dự thảo quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu và tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25%, tăng số lượng thường trực HĐND lên 11 người và HĐND có không quá 6 Ban (các ban có bộ phận hoạt động chuyên trách). Theo đại biểu, đề xuất có cơ sở phù hợp thông qua việc xem xét, đánh giá, dự báo tác động của một số giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Theo phân tích của đại biểu, trong thời gian tới, khối lượng công việc của HĐND thành phố sẽ tăng đáng kể, do đó, yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND thành phố phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
"Việc tăng số lượng đại biểu HĐND giúp mở rộng, tăng tính đại diện, đặc biệt của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của HĐND thành phố.", ĐBQH Trần Chí Cường khẳng định.
Tìm giải pháp căn cơ cho quản lý, hai thác tài sản công
Đối với quy định liên quan đến quản lý, khai thác tài sản công, công trình hạ tầng, ĐBQH Trần Chí Cường cho rằng quy định như trong dự thảo là cần thiết. Thực tiễn hiện nay, việc sử dụng tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đang gặp nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện do các quy định hiện hành về điều kiện, trình tự, thủ tục rất khó thực hiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị sự nghiệp công lập. Điển hình như việc phải xác định là tài sản dôi dư, chưa sử dụng hết công suất, phải xác định giá trị tài sản, giá trị thương hiệu, xác định liên doanh, liên kết, đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công, phải thực hiện chương trình lập, thẩm định đề án và trình qua nhiều cấp phê duyệt, thẩm định với thời gian thực hiện tương đối dài, dẫn đến các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng gặp khó khăn trong việc ra quyết định, kết quả là tài sản công không sử dụng hiệu quả, gây lãng phí, xuống cấp do thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng.
Mặt khác, những đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nhưng chức năng, mục đích chính là để cho thuê, kinh doanh, ví dụ như các khu làm việc chung, các văn phòng thử nghiệm, cơ sở thử nghiệm tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... nhưng cơ chế để đưa các tài sản này vào kinh doanh, cho thuê, khai thác tối đa hiệu quả là chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tạo sự chủ động cho các đơn vị. Mặt khác, trong bối cảnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cần có cơ chế thông thoáng hơn, cho phép các đơn vị được chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác tài sản công, đúng với công năng, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
"Đây là quy định cần thiết để giải phóng, khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công nhà nước cũng như huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến mặt trái của hoạt động kinh doanh, cho liên doanh, liên kết có thể dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, thất thoát, tiêu cực trong khai thác tài sản công. Vì vậy, cần có những quy định mang tính nguyên tắc để kiểm soát vấn đề này.", ĐBQH Trần Chí Cường đề xuất.