Không đưa vào quy hoạch những cơ sở gây ô nhiễm
Theo ĐBQH Hoàng Văn (Hà Nội), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rất đúng tinh thần là tạo một khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư và tạo các nguồn lực cho phát triển Thủ đô xứng tầm. Theo nghiên cứu của đại biểu, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Đáng chú ý, dự thảo cho phép UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Đồng thời, phân quyền cho UBND thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18). Quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn thành phố, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.
Liên quan đến quy hoạch Thủ đô Điều 17, đại biểu đề xuất cần phải bổ sung thêm một quy định về quy hoạch thì phải phân tán những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm ra xa ngoài Thủ đô. Theo đại biểu, nếu không quy định điều này rõ trong dự thảo luật thì có tình trạng là thời gian vừa qua, một dự thảo quy hoạch cấp quốc gia đã quy hoạch một vùng xử lý rác thải Hà Nội trở thành một khu xử lý rác thải cấp quốc gia để xử lý các chất thải độc hại cho các tỉnh trong vùng.
Về quy định tại Khoản 2 Điều 17, trong đó có quy định cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ và được xây dựng các công trình ngoài bãi sông nhưng phải tuân thủ theo Luật Đê điều, đại biểu cho biết: Nếu quy định được phép xây dựng nhưng phải tuân thủ theo Luật Đê điều sẽ gây ra tình trạng giống như thời gian vừa qua. Đó là hành lang thoát lũ bao gồm phần toàn bộ không gian ngoài đê, trong đó gồm phần để dòng chảy cho đến mùa lũ và phần thứ hai là phần không phải chảy mà chỉ chứa nước, người ta gọi là chậm lũ. Như vậy, sẽ không còn phần không gian nào được phép khai thác. Do đó, cần điều chỉnh lại là chỉ có xây dựng, quản lý ở trên phần hành lang dòng chảy vào mùa lũ chứ không phải toàn bộ hành lang thoát lũ giống như Luật Đê điều quy định chung cho tất cả mọi địa phương.
Cần xây dựng cơ chế riêng cho Khu công nghệ cao Hoà Lạc
Đáng chú ý, ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng hoàn toàn đồng tình với các nội dung liên quan đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô. Trên thực tế, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998 và hoàn toàn khác biệt so với Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Bởi, khi thành lập khu công nghệ này muốn thành lập một mô hình không phải chỉ chuyên sản xuất mà trong đó có cả các chức năng về nhà ở, các chức năng thương mại, dịch vụ, như một khu đô thị phát triển cấp cao dành cho đội ngũ chuyên gia, những nhà khoa học làm khu công nghệ đó.
"Chính vì vậy, không thể áp dụng các cơ chế quản lý khu công nghệ cao Hà Nội như cơ chế quản lý với các khu công nghiệp hiện nay đang được xây dựng ở trong Luật Đất đai 2024 mà chúng ta cần phải đưa ra cơ chế riêng cho khu công nghệ cao này trong Luật Thủ đô.", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Liên quan đến việc giải thích từ ngữ trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng khi đưa ra các khái niệm thì phải đưa ra các thuộc tính để làm căn cứ pháp lý cho việc xác định đối tượng quản lý và không nên dùng quyết định quản lý để làm khái niệm cho luật, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta lại luật hóa quyền quản lý.
Theo đại biểu, trong khoản 1 Điều 3 khi định nghĩa về đô thị trung tâm thì chúng ta không đưa thuộc tính mà lại nói luôn đô thị trung tâm là gì. Vì vậy, đại biểu đề xuất chỗ này cần phải bổ sung thêm "thuộc tính", đó là nên đưa ra "đô thị trung tâm là khu vực đô thị đảm nhận các chức năng chính của thủ đô” và sau đấy bắt đầu mới nói gồm khu vực nào.
Còn tại khoản 2 Điều 3 khi nói về nội đô lịch sử thì có đưa ra thuộc tính là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống của Hà Nội. Đại biểu cho rằng, đây đã là thuộc tính nhưng sau đó lại chỉ luôn đích danh bao gồm 5 quận là Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ. Việc định danh luôn 5 quận này là không phù hợp bởi chúng ta đều biết các khu vực được gọi là các di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội thì chủ yếu nhắc đến 36 phố phường, rồi khu vực của thành Đại La cổ thì chỉ từ Đê La Thành trở lại; các khu như phố Pháp thì chỉ tập trung một phần ở trung tâm thôi chứ không phải toàn bộ của các quận như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, thậm chí ngay cả Hoàn Kiếm ở ngoài đê cũng không phải là khu bảo tồn. "Việc đưa vào trong dự thảo 5 quận sẽ tạo rào cản pháp lý khi muốn cải tạo", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo phân tích của đại biểu, chẳng hạn những khu chung cư cũ tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa hay nhà dân tự xây đang không an toàn, muốn cải tạo sẽ vướng ngay vào khu gọi là nằm trong bảo tồn nội đô lịch sử. Do vậy, đại biểu kiến nghị nên nêu cụ thể tên các quận.