ĐBQH Cầm Thị Mẫn đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Chính phủ, trong đó trực tiếp là Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo) rất công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đã bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các dự thảo Nghị định ban hành kèm theo cũng được quy định khá chi tiết.
Tuy nhiên, về nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội được quy định tại Điều 85: “Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở”, đại biểu Mẫn đề nghị cân nhắc thời hạn này vì đối tượng được thuê nhà ở xã hội tại Điều 73 của dự thảo Luật cơ bản là những đối tượng nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn... Việc quy định thời hạn tối thiểu là 5 năm sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội thay đổi nơi ở, quyền tự do cư trú của những đối tượng này (ví dụ chuyển đến nơi khác làm ăn, sinh sống hoặc không đủ khả năng để tiếp tục thuê, mua…) do bị ràng buộc thời gian thuê mua. Do đó, theo đại biểu Mẫn, nếu những đối tượng thuộc Điều 73 của dự thảo luật không còn nhu cầu/khả năng thuê mua nhà ở xã hội thì nên tạo điều kiện để họ có thể chấm dứt hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; người thuê mua có thể chịu hình thức phạt hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác cũng thuộc nhóm quy định tại Điều 73 được thuê mua lại nhà ở xã hội đó. Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trong cộng đồng là rất lớn. Nếu không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện để đáp ứng thì vẫn luôn có những người khác “lấp chỗ trống”.
Ngoài ra, với quan điểm nên tạo sự linh hoạt trong thời hạn mua, thuê mua nhà ở xã hội như trên, tại khoản 5 Điều 85, đại biểu Mẫn đề nghị nên điều chỉnh lại là “Trong thời gian 5 năm kể từ ngày mua, thuê mua, bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán…”.
Góp ý về dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Cầm Thị Mẫn nhất trí bổ sung “việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu” vào phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì liên quan đến chủ thể bán và chủ thể mua. Dự thảo luật bổ sung “Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ (sau đây gọi là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu - PV) vào đối tượng áp dụng (khoản 4 Điều 2 của dự thảo Luật). Như vậy, “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” thì có thể là tổ chức tín dụng hoặc không phải tổ chức tín dụng, không phải là tổ chức có hoạt động ngân hàng và như vậy thì chưa phù hợp với tên gọi của Luật là Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên của Dự án Luật cho phù hợp.
Về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hiện nay, có một số dự án luật sau đang được sửa đổi, bổ sung và có liên quan nhiều đến hoạt động tín dụng, ngân hàng như: Luật Hợp tác xã (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Năm có liên quan đến Ngân hàng hợp tác xã; Quỹ tín dụng nhân dân do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Năm có liên quan đến giao dịch ngân hàng trên môi trường điện tử. Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, kịp thời cập nhật những quy phạm mới tại các dự thảo luật nêu trên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.