Tạo sân chơi trong thương mại quốc tế và chính sách khí hậu
Bằng cách tính đến những khác biệt nói trên về tham vọng khí hậu và lượng khí thải từ quá trình sản xuất hàng hóa, việc điều chỉnh biên giới carbon (BCA) được thiết kế để bảo vệ khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp cũng như tránh chuyển dịch sản xuất và lượng khí thải sang các quốc gia có quy trình kém hoặc tiêu chuẩn môi trường yếu hơn, được gọi là rò rỉ carbon.
Rò rỉ carbon dẫn đến sự dịch chuyển địa lý sản xuất giữa các quốc gia mà không có lợi ích ròng nào đối với lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Rò rỉ thông qua sự thay đổi trong mô hình đầu tư, mất thị phần của các ngành công nghiệp trong nước cho các đối tác thương mại sử dụng nhiều khí thải hơn, hoặc những thay đổi trong thị trường năng lượng dẫn đến lượng khí thải toàn cầu lớn hơn. Mặc dù không có rò rỉ carbon đáng kể nào xảy ra cho đến nay, nó vẫn là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí thải ở các quốc gia có chính sách khí hậu đầy tham vọng. Có thể nói, các mục tiêu thúc đẩy BCA gồm hai khía cạnh: giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, cũng như tránh sự xuất hiện của các lợi thế và bất lợi thương mại khi các Chính phủ ban hành những chính sách khí hậu với các mức độ tham vọng khác nhau.
Cụ thể, BCA là một chính sách thương mại môi trường liên quan đến các khoản phí đối với hàng nhập khẩu và đôi khi giảm giá đối với hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, điều chỉnh biên giới carbon áp dụng phí đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên hàm lượng khí thải của chúng và cũng có thể bao gồm các khoản giảm giá hoặc miễn trừ từ các chính sách trong nước đối với các nhà sản xuất nội địa khi xuất khẩu hàng hóa của họ ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là đối với các quốc gia có chính sách khí hậu lỏng lẻo hơn. Giá mà một nhà nhập khẩu phải trả sẽ phù hợp với giá carbon trong nước.
Lợi ích chính của BCA là ý tưởng “tạo ra một sân chơi” về thương mại quốc tế và chính sách khí hậu. BCA sẽ cho phép một quốc gia tiến lên với các chính sách khí hậu đầy tham vọng mà không có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh. Đó là, nếu các quốc gia cảm thấy được trao quyền nhiều hơn để ban hành chính sách khí hậu mà không có nguy cơ rò rỉ khả năng cạnh tranh, các chính sách khí hậu đầy tham vọng đó nhiều khả năng chấp nhận được về mặt chính trị.
BCA cũng có thể tăng doanh thu cho các quốc gia, vì nguyên lý cơ bản của BCA là nó tính phí phát thải hàng hóa nhập khẩu. CBAM của EU, dự kiến có hiệu lực vào năm 2023, ước tính sẽ tăng doanh thu từ 5 tỷ euro đến 14 tỷ euro (5,7 đến 15,9 tỷ USD) mỗi năm. Nhiều người còn hy vọng, BCA có thể tạo ra động lực cho các quốc gia ít tham vọng hơn và làm dịu việc sử dụng tùy chọn chính sách này.
Cần được thiết kế cẩn thận
Tuy nhiên, một số nhà quan sát tỏ ra lo ngại rằng, việc điều chỉnh biên giới carbon có thể dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ trá hình, và nó liên quan đến các vấn đề chưa được giải quyết trong chính sách thương mại. Và nếu không được thiết kế cẩn thận, nó có thể gây ra tranh chấp trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc điều chỉnh biên giới carbon đôi khi cũng bị chỉ trích là không phù hợp với Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đặc biệt là Điều 3.5, cấm các biện pháp cấu thành “phân biệt đối xử tùy tiện hoặc không chính đáng” hoặc được coi là “hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế”. Nhiều người cũng nhận định, việc điều chỉnh biên giới có thể kìm hãm các nỗ lực đa phương về khí hậu thông qua UNFCCC.
Chưa có cơ quan tài phán nào đưa ra vấn đề điều chỉnh biên giới carbon, nhưng sự quan tâm đang ngày càng tăng giữa các nhà hoạch định chính sách. EU đang nghiêm túc xem xét đề xuất thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong khi Canada đã đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin về cách tiếp cận như vậy. Nghị viện Anh cũng bắt đầu một cuộc điều tra tìm hiểu về vấn đề này, còn bang California, Mỹ áp dụng một cơ chế giống như điều chỉnh biên giới carbon đối với điện nhập khẩu theo chương trình mua bán phát thải của mình. Mới đây nhất, vào ngày 8.6.2022, Thượng nghị sĩ Mỹ Sheldon Whitehouse đã giới thiệu dự thảo Luật Cạnh tranh sạch (Clean Competition Act) nhằm mục đích tăng tính cạnh tranh cho các công ty Mỹ trên thị trường quốc tế, đồng thời giải quyết các nguồn phát thải khí nhà kính làm nóng lên toàn cầu, bằng cách tạo ra một cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.