Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU

Hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

- Chủ Nhật, 24/07/2022, 07:04 - Chia sẻ

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được chính thức đề xuất lần đầu tiên ngày 11.12.2019 trong khuôn khổ "Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu" (EU). Ngày 14.7.2021, Ủy ban châu Âu trình bày đề xuất lập pháp về CBAM. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao, chẳng hạn như sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện, sẽ phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của cơ chế này.

Sẽ có hiệu lực từ năm 2023

EU đã triển khai hệ thống định giá carbon lớn nhất thế giới, hệ thống mua bán khí thải (ETS). Trong khi giá phát thải có thể khuyến khích quá trình khử carbon trong công nghiệp, nó cũng có nguy cơ gây rò rỉ carbon, do các công ty EU chuyển sản xuất ra nước ngoài. Cho đến nay, EU giảm thiểu rò rỉ carbon thông qua phân bổ miễn phí cho một số ngành công nghiệp nhất định, nhưng với tham vọng trong chương trình nghị sự về khí hậu gia tăng và giá carbon cao hơn, Ủy ban châu Âu tìm cách loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí. Song song với đó, CBAM sẽ được áp dụng, yêu cầu các nhà nhập khẩu EU, kể từ năm 2026, phải mua chứng chỉ tương đương với giá carbon hàng tuần của EU. CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với hàng nhập khẩu trong năm lĩnh vực sản sinh nhiều khí thải được coi là có nguy cơ rò rỉ carbon cao như: xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện. Thực tế, đây là những ngành và lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

,Hướng tới mục tiêu trung hòa carbon
Nguồn: ITN

Phí CBAM sẽ bao gồm việc nhập khẩu những hàng hóa này từ tất cả các nước thứ ba, ngoại trừ những nước tham gia vào ETS của EU hoặc một cơ chế được liên kết. Chẳng hạn, ngoại lệ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Iceland, Liechtenstein và Na Uy, vốn là những quốc gia tham gia ETS của EU và Thụy Sĩ - nước có hệ thống mua bán khí thải liên kết với ETS của khối. CBAM nhằm mục đích đóng góp vào các mục tiêu trung hòa carbon của EU và khuyến khích các nước đối tác loại bỏ carbon trong quy trình sản xuất của họ bằng cách san bằng sân chơi trong việc định giá carbon giữa EU và các nhà sản xuất của nước thứ ba. Tuy nhiên, các nước kém phát triển hơn có thể được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi. Sau khi đề xuất của Ủy ban châu Âu về CBAM được công bố vào tháng 7.2021, Nghị viện châu Âu đã chuyển hồ sơ tới Ủy ban Môi trường. Vào ngày 22.6.2022, Nghị viện thông qua quan điểm của mình về ETS, trong khi trước đó vào ngày 15.3.2022, Hội đồng châu Âu thông qua cách tiếp cận chung của mình về cơ chế này. Ngày 11.7.2022, phiên họp đầu tiên của cuộc đàm phán 3 bên (Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu) được tổ chức.

Tháng 12.2019, Ủy ban châu Âu đưa ra Thỏa thuận xanh châu Âu, cam kết EU đạt được mức độ trung lập carbon vào năm 2050. Mục tiêu mới là giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính ròng ít nhất 55% vào năm 2030, so với các mức của năm 1990.

Ngoài mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon trên toàn cầu, việc EU dự định áp thuế biên giới carbon là do các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU trực tiếp dẫn đến việc biến đổi khí hậu hiện nay, nhưng chưa có đủ chính sách để giảm thiểu khí thải carbon và hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng chưa chịu mức thuế carbon công bằng như hàng hóa nội địa của EU. Tuy nhiên, những quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon.

Cơ chế sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2023 với thời gian chuyển đổi là 3 năm đến ngày 1.1.2026. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào. Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào và có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn - bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” (ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa). Sau khi được vận hành chính thức từ 1.1.2026, nhà nhập khẩu sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn carbon dioxide tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU. Vi phạm các quy định của cơ chế CBAM sẽ bị xử phạt tương tự như trong hệ thống ETS của EU.

Còn nhiều băn khoăn

Mặc dù được đề ra nhằm mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp của EU có nguy cơ rò rỉ carbon và tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của EU, đồng thời đóng vai trò là công cụ chính sách để khuyến khích các nước xuất khẩu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cơ chế CBAM cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo một số quan điểm từ các quốc gia châu Á, cơ chế CBAM không phải là công cụ thích hợp nhất để chống lại sự rò rỉ carbon, đồng thời không hiệu quả trong việc khuyến khích các đối tác thương mại hành động. Bởi rất nước sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM thông qua xuất khẩu. Thậm chí nghiêm trọng hơn, cơ chế này có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng thương mại giữa các quốc gia. Thực tế, nhiều nước chỉ trích đề xuất của CBAM đã bày tỏ lo ngại về tính tương thích của nó với các quy định của WTO. Chẳng hạn, Nga từng tuyên bố EU dường như đang sử dụng chương trình nghị sự về khí hậu của mình để xây dựng các rào cản thương mại mới, trong khi Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng CBAM sẽ có những tác động tiêu cực đến các nước đang phát triển.

Về lý thuyết, CBAM có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của các nước nghèo hơn và làm giảm cơ hội phát triển dựa vào xuất khẩu. Ngân hàng Phần Lan ước tính, mức tính phí của CBAM là 28 USD/tấn CO2 đối với hàng nhập khẩu tương đương với mức thuế nhập khẩu trung bình là 2%.

Có thể nói, các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển phải đối mặt với rào cản đáng kể trong giao dịch thương mại với EU. Cho tới nay, hầu hết các nước đang phát triển hiện có quyền tiếp cận miễn phí thuế quan và hạn ngạch vào thị trường EU, do kết quả của các chương trình ưu đãi đơn phương của EU hoặc các hiệp định đối tác kinh tế. Nhưng CBAM có thể làm giảm lợi thế tương đối này nếu nó được áp dụng cho hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển, nhưng miễn trừ cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của các nước phát triển, vì chúng có nguồn gốc từ các quốc gia đã đưa ra mức giá carbon nội địa tương đương của họ hoặc do quy trình sản xuất của các công ty có hiệu quả hơn trong việc hạn chế thải ra carbon. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đối với các nước đang phát triển, các chi phí bổ sung liên quan đến CBAM có thể gây ra thiệt hại rất lớn. 

Linh Anh