Đề cao minh bạch và công bằng, giảm cám dỗ
- Theo ông, tại sao văn hóa liêm chính lại được coi là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống tham nhũng và tiêu cực?
- Văn hóa liêm chính là hệ thống giá trị, nguyên tắc và hành vi được thể hiện qua sự trung thực, công bằng, minh bạch và trách nhiệm trong mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức. Văn hóa liêm chính là khi mỗi cá nhân và tổ chức hành động trung thực và đạo đức, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Khi văn hóa này thấm vào từng quyết định và hành động, không chỉ ngăn ngừa được hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc rễ mà còn xây dựng được một cộng đồng vững mạnh; niềm tin của công chúng vào hệ thống chính quyền và các tổ chức sẽ được củng cố vững chắc.
Văn hóa liêm chính sẽ tạo ra môi trường đề cao sự minh bạch và công bằng, làm giảm đi những cám dỗ và cơ hội cho những hành vi sai trái. Ở đây không chỉ là tránh những việc làm không đúng, không phải, mà mọi người đều cảm thấy có động lực làm việc vì những giá trị cao đẹp.
- Đâu là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng văn hóa liêm chính, thưa ông?
“55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã thấy rõ chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, hướng tới một nền hành chính công khai, minh bạch và công bằng. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước mà còn góp phần phát triển bền vững đất nước, đúng như mong muốn mà Người đã gửi gắm trong Di chúc”.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN
- Trong một xã hội mà văn hóa liêm chính được duy trì và phát triển, trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu, mà là một giá trị cốt lõi. Những người lãnh đạo và từng cá nhân trong tổ chức hiểu rằng mọi hành động đều có hệ quả, và vì thế, họ sẽ hành động một cách thận trọng, trách nhiệm hơn.
Quan trọng hơn, văn hóa liêm chính không chỉ bảo vệ xã hội khỏi những điều xấu mà như tôi vừa nói, nó còn tạo động lực để mọi người cống hiến cho điều tốt đẹp. Nó truyền cảm hứng cho chúng ta không chỉ vì sự chính trực mà còn vì niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mỗi hành động đều mang lại giá trị thực sự cho cộng đồng và xã hội. Khi văn hóa liêm chính trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chúng ta không chỉ chống lại được tham nhũng mà còn xây dựng một xã hội bền vững, nơi mà công bằng và minh bạch là kim chỉ nam cho hành động của mọi người.
Thách thức lớn nhất là thói quen và tư duy cũ
- Đâu là những thách thức chính trong xây dựng văn hóa liêm chính ở Việt Nam, và làm thế nào để vượt qua chúng?
- Xây dựng văn hóa liêm chính là cơ hội để chúng ta khẳng định bản lĩnh và quyết tâm tạo dựng một xã hội trong sạch, vững mạnh, song thách thức cũng không ít. Một trong những thách thức lớn nhất là sự bám rễ của những thói quen và tư duy cũ, trở thành rào cản khiến việc xây dựng một môi trường làm việc trung thực và minh bạch trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để thay đổi, cần một cuộc cách mạng tư duy, khơi dậy trong mỗi người lòng tự hào và trách nhiệm với cộng đồng.
Hệ thống hành chính và pháp lý chưa thực sự minh bạch cũng đang là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiêu cực. Những quy trình, thủ tục rườm rà không chỉ khiến người dân gặp nhiều khó khăn mà còn làm tăng nguy cơ lạm dụng quyền lực. Cần sự thay đổi toàn diện, từ đơn giản hóa thủ tục hành chính đến cải cách mạnh mẽ hệ thống quản lý, để mọi quyết định được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Thách thức còn đến từ trách nhiệm giải trình và giám sát chưa thực sự hiệu quả. Khi những hành vi sai trái không được phát hiện và xử lý kịp thời, lòng tin của người dân sẽ dần bị suy giảm. Đây là lúc chúng ta cần xây dựng một cơ chế giám sát độc lập và mạnh mẽ, trong đó có vai trò đặc biệt của Quốc hội, để mọi hành động sai trái được đưa ra ánh sáng và chịu sự trừng phạt nghiêm minh.
Sự cám dỗ từ lợi ích cá nhân và nhóm vẫn luôn là một thách thức lớn. Khi lợi ích cá nhân được đặt lên trên lợi ích chung, những hành vi sai trái dễ dàng xuất hiện, làm suy yếu nền tảng đạo đức mà chúng ta đang cố gắng xây dựng. Để khắc phục, chúng ta cần một sự cam kết mạnh mẽ từ mọi cấp lãnh đạo đến từng cá nhân, bảo đảm rằng lợi ích chung luôn được đặt lên hàng đầu, và bất kỳ hành vi tham nhũng nào cũng sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Khắc sâu vào tâm trí và hành động
- Công tác giáo dục và truyền thông thì sao, để văn hóa liêm chính thực sự chạm đến trái tim và hành động của từng người?
- Để văn hóa liêm chính trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, phải làm cho những giá trị này trở nên gần gũi và thiết thực, thông qua các chương trình giáo dục, truyền thông phù hợp, hấp dẫn, giúp mỗi người tự nguyện và tích cực hành động theo những nguyên tắc đạo đức.
Chúng ta cũng phải hành động để thay đổi tư duy, để cải cách hệ thống, để củng cố lòng tin của người dân, và để xây dựng một xã hội mà văn hóa liêm chính là giá trị cốt lõi. Đó là con đường duy nhất để vượt qua những rào cản hiện tại và tiến tới một tương lai tươi sáng hơn.
- Theo ông, thông điệp quan trọng từ phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong xây dựng văn hóa liêm chính là gì?
- Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chính là lời kêu gọi tạo dựng một nền văn hóa mà ở đó, sự liêm chính trở thành phẩm chất cốt lõi, khắc sâu vào tâm trí và hành động của mỗi cán bộ, công chức và mọi tầng lớp trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn khẳng định, để đạt được điều đó, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát và xử lý các hành vi sai trái, phải đi xa hơn: xây dựng một môi trường, nơi con người “không muốn” tham nhũng, nơi đạo đức và trách nhiệm được đặt lên trên lợi ích cá nhân.
Đây là một thông điệp mạnh mẽ, rằng liêm chính không chỉ là việc tuân thủ các quy định pháp luật, mà còn thể hiện lòng tự trọng, trách nhiệm đối với xã hội và sự kiên định trong bảo vệ những giá trị chân chính. Mỗi người hãy trở thành một tấm gương về liêm chính, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, minh bạch và thực sự vì dân. Đó cũng là lời nhắc nhở rằng, văn hóa liêm chính không chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, dẫn lối cho mọi hành động và quyết định.
- Xin cảm ơn ông!