Hiện điểm khó giải phóng mặt bằng nhất là điểm nhà ga S4, địa giới hành chính một bên là quận Bắc Từ Liên, một bên là quận Nam Từ Liêm, mỗi quận vướng 20 nhà dân xây đua ra chỉ giới hệ thống cầu thang lên xuống công trình. Theo tổng thầu Hàn Quốc, tiến độ bàn giao mặt bằng 4 nhà ga ngầm của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đến nay đã chậm hơn 1 năm. Việc không có đầy đủ mặt bằng là thách thức lớn đối với nhà thầu thi công trực tiếp. Thiết bị công nghệ đều phải nằm chờ, yêu cầu an toàn kỹ thuật cũng khó được đảm bảo. Nhiều ga dù đã đưa máy móc vào thi công nhưng vẫn chưa di dời hết các hộ dân để trả mặt bằng sạch cho dự án.
Cũng vì câu chuyện không giải phóng được mặt bằng, năm 2016, liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella S.p.A, thi công gói thầu số 3 dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã yêu cầu đàm phán lại hợp đồng, tăng phí hợp đồng 40 triệu USD, tương đương trên 800 tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng một năm. Ngoài khoản phạt 1% của giá trị hợp đồng sẽ được áp dụng khi chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng tính theo ngày, nhà thầu còn yêu cầu thêm chi phí và phí tổn bổ sung mà nhà thầu phải chịu do ngày bắt đầu thi công bị chậm kéo dài 180 ngày từ khi giám sát nhận được thư chấp thuận.
Trên thực tế, Nhổn - ga Hà Nội không phải là dự án đầu tiên bị rơi vào thế bị động “nắm đằng lưỡi” khi bị nhà thầu dọa phạt hợp đồng do chậm bàn giao mặt bằng. Trước đó, cũng vì câu chuyện mặt bằng, chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân đã phải ký phụ lục hợp đồng với giá trị bổ sung gần 156 tỷ đồng cho nhà thầu Nhật Bản do tiến độ thực tế kéo dài quá lâu so với hợp đồng gốc, khoản tiền này đã phải trích ra từ ngân sách. Câu chuyện lặp lại ở gói thầu số 2 dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên khi nhà thầu khiếu nại yêu cầu TP Hồ Chí Minh bồi thường thiệt hại 100.000 USD/ngày (hơn 2 tỷ đồng) do chậm bàn giao mặt bằng.
Vướng giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở các dự án và rất nhiều chủ đầu tư thường phải chấp nhận thông qua việc bổ sung giá trị hợp đồng theo các điều khoản như điều chỉnh tỷ lệ trượt giá, bổ sung chi phí phát sinh ngoài hợp đồng cho nhà thầu. Bởi thực tế, chậm bàn giao mặt bằng gây nhiều thiệt hại cho nhà thầu: lãng phí máy móc, nhân lực, phát sinh chi phí, chậm tiến độ công trình… Trong khi đó, cơ chế đền bù phức tạp, nhất là khu vực nội đô Hà Nội khiến tốc độ giải phóng mặt bằng luôn trong tình trạng vỡ kế hoạch về thời gian. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa ra mốc giải phóng mặt bằng không khả thi hoặc chưa giải phóng mặt bằng được đã ký hợp đồng xây lắp là quá rủi ro. Đặc biệt là đối với các nhà thầu nước ngoài, họ luôn căn cứ theo hợp đồng và thông lệ quốc tế nên sẵn sàng đưa ra yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại tài chính mà không do lỗi của họ.
Vậy nếu xảy ra trường hợp bị phạt, ai sẽ chịu trách nhiệm khoản chi phí này? Vấn đề này cần được định chế rõ, không thể nói trách nhiệm chung chung mà phải gắn với trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể. Trách nhiệm của chủ đầu tư ở đây bao gồm cả cơ quan quản lý dự án và cơ quan đền bù giải phóng mặt bằng, cần phải quy ra rõ bên nào và lý do gây chậm tiến độ. Chỉ tính riêng 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sự chậm trễ, trong đó có khâu không thể bàn giao mặt bằng sạch đúng thời hạn gây đội vốn tới 3,5 tỷ USD và kéo theo nhiều hệ lụy khác cho nền kinh tế. Phải có đơn vị cụ thể, cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm cho những khoản đội vốn trên.