Quốc tế hóa và đưa luật pháp quốc gia xích lại gần nhau
Theo Inventa, toàn cầu hóa và thương mại quốc tế hiện nay có sự phát triển mạnh mẽ. Thực tế này va chạm với một trong những nguyên tắc của sở hữu trí tuệ, đó là tính lãnh thổ. Ở hầu hết mọi quốc gia, quyền sở hữu trí tuệ mang tính này. Điều đó có nghĩa, bằng sáng chế được cấp ở một quốc gia cho phép chủ sở hữu chỉ có quyền sử dụng độc quyền sáng chế tại quốc gia này. Nếu chủ sở hữu quan tâm đến việc tiếp thị sản phẩm độc quyền bằng sáng chế ở quốc gia khác, thì họ phải xin được quyền cho phép sử dụng bằng sáng chế tại quốc gia đó. Rõ ràng, nguyên tắc lãnh thổ này là một trở ngại cho quá trình quốc tế hóa bảo hộ. Sự khác biệt trong luật pháp quốc gia cũng vậy. Do đó, các điều ước quốc tế ra đời với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quốc tế hóa và đưa luật pháp quốc gia xích lại gần nhau hơn.
Theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), có khoảng 208 điều ước quốc tế điều chỉnh các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trong số này, 48 hiệp ước được thông qua trước năm 1970, và 160 hiệp ước còn lại được thông qua sau đó.
Trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong những năm 1990 và 2000, số lượng các hiệp ước có đối tượng chính là sở hữu trí tuệ có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo WIPO, các hiệp ước này là 77, so với 27 hiệp ước được thông qua cho đến năm 1969, và 50 từ năm 1970. Nói cách khác, kể từ năm 1970, số hiệp ước sở hữu trí tuệ được thông qua gần như gấp đôi so với số hiệp ước được thông qua trong giai đoạn đề cập trước đó. Phân tích theo thập kỷ cho thấy, năm 2010 là năm có số lượng hiệp ước sở hữu trí tuệ cao nhất, tiếp theo là các hiệp ước của những năm 90 và 70.
Các hiệp ước sở hữu trí tuệ quan trọng
Mặc dù một số hiệp ước sở hữu trí tuệ quan trọng nhất đã có hơn một thế kỷ, chẳng hạn như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (1883), Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (1886) và Thỏa thuận Madrid liên quan đến đăng ký quốc tế về nhãn hiệu (1891), hoặc gần một thế kỷ như Thỏa thuận La Hay về Đăng ký quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (1925), sự phát triển của thương mại toàn cầu trong những thập kỷ gần đây đã dẫn đến việc tăng cường áp dụng các luật quốc gia về các vấn đề về sở hữu trí tuệ và tạo thuận lợi cho quá trình quốc tế hóa thông qua các hiệp ước mới và các nguồn luật xuyên quốc gia khác.
Trong vòng 50 năm trở lại đây, một số hiệp ước sở hữu trí tuệ quan trọng nhất đã được thông qua. Năm 1970, Hiệp ước hợp tác về sáng chế được thông qua, với mục đích “đơn giản hóa và tiết kiệm hơn để bảo hộ cho các sáng chế khi được yêu cầu ở một số quốc gia”. Năm 1989, Nghị định thư liên quan đến Thỏa thuận Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu được bật đèn xanh, nhằm mục đích làm cho hệ thống Madrid linh hoạt và tương thích hơn với luật pháp trong nước của một số quốc gia hoặc tổ chức liên chính phủ không thể tiếp cận Thỏa thuận. Chính Nghị định thư này hiện đang cho phép đăng ký nhãn hiệu trên phạm vi quốc tế, nghĩa là chỉ với một đơn đăng ký, nhãn hiệu đã được đăng ký ở một số quốc gia, giảm bớt các thủ tục và chi phí. Năm 1994, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ được thông qua, với mong muốn “giảm thiểu những méo mó và cản trở đối với thương mại quốc tế”, thừa nhận rằng để đạt được điều đó cần phải thiết lập “các tiêu chuẩn và nguyên tắc phù hợp liên quan đến sự sẵn có, phạm vi và việc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại”.
Sự phát triển của các quy định sở hữu trí tuệ cũng diễn ra ở cấp độ khu vực. Năm 1973, Công ước Sáng chế châu Âu được thông qua, trong đó thành lập Tổ chức Sáng chế châu Âu (EPO) và đưa ra khả năng nhận được bằng sáng chế châu Âu. Cũng ở lục địa già, nhãn hiệu cộng đồng và thiết kế cộng đồng đã được đăng ký ra đời, cho phép bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng sản phẩm trong lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, chỉ với một đơn đăng ký và một thủ tục. Trong những thập kỷ gần đây, luật hài hòa của EU giúp cho luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia thành viên trở nên rất gần gũi, thậm chí nhiều khía cạnh giống hệt nhau.
Tại châu Phi, vào năm 1976, Thỏa thuận Lusaka về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ khu vực châu Phi (ARIPO) được thông qua, và vào năm 1977, Hiệp định Bangui về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI) được đi vào cuộc sống. Năm 1994, Công ước Sáng chế Á - Âu cũng xuất hiện, từ đó thành lập Tổ chức Sáng chế Á - Âu (OEAP). Tại châu Á, năm 1995, Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ cũng được thông qua và là nền tảng cho các quy định sở hữu trí tuệ trong khối.