Bảo đảm quyền riêng tư
Khả năng tương tác, kết nối cực mạnh của các mạng xã hội đang làm tăng nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Chính vì thế, các nhà làm luật của Mỹ luôn ý thức cố gắng bắt kịp sự hiện diện ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông xã hội trong cuộc sống bằng cách ban hành nhiều luật và quy định mới, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng theo kịp xu thế mới.
Hiện nay ở Mỹ, một số luật liên bang đã đề cập đến các mối quan tâm về quyền riêng tư trên mạng xã hội, bao gồm Luật về Chuẩn mực truyền thông (CDA) và Luật Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA). Dẫu Mỹ có nhiều nỗ lực để ban hành luật liên bang nhằm giải quyết tốt hơn các biện pháp bảo vệ trên mạng xã hội, nhưng cho tới nay nước này vẫn chưa có luật bảo vệ quyền riêng tư trên mạng xã hội toàn diện trên toàn quốc. Hiện Mỹ chưa có luật nào tương đương với Luật Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU).
Trong đó, một số bang của Mỹ đã làm rất tốt trong việc xây dựng luật liên quan về vấn đề này, xoay quanh các nội dung chính như yêu cầu yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm; quy định trách nhiệm và hình phạt đối với hành vi gian lận trên mạng và yêu cầu thông báo khi vi phạm dữ liệu. Chẳng hạn, luật của California yêu cầu những cá nhân hoặc doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh ở California phải thông báo cho người tiêu dùng về vi phạm dữ liệu trong “thời gian thích hợp nhất có thể”.
Trong phạm vi về quyền riêng tư trên mạng xã hội, ở EU, GDPR bao gồm các điều khoản về “quyền được lãng quên”, cho phép các cá nhân và công ty có quyền yêu cầu xóa thông tin của họ khỏi một số trang web nhất định. Cơ sở lý luận đằng sau luật này là mọi người không bị tổn hại khi tiết lộ thông tin không liên quan hoặc lỗi thời. Mặc dù Mỹ chưa có quyền được “lãng quên”, nhưng những luật như vậy ở nước ngoài vẫn ảnh hưởng đến các công ty có trụ sở tại Mỹ như Google, Facebook hay Twitter vốn có hoạt động trên phạm vi quốc tế.
Một vấn đề riêng tư khác liên quan đến quan hệ giữa các công ty truyền thông xã hội và người dùng. Thực tế, người dùng đồng ý với các điều khoản và điều kiện rất rộng khi họ tham gia các nền tảng mạng xã hội. Phần lớn mối quan hệ dựa trên các chính sách quyền riêng tư, và các tiêu chuẩn, thông lệ của những công ty công nghệ trên.
Bê bối liên quan đến Facebook và hãng Cambridge Analytica của Anh là ví dụ điển hình về việc vi phạm các tiêu chuẩn và thông lệ của công ty. Nhiều khu vực pháp lý của Mỹ có một số phiên bản luật về thông báo vi phạm dữ liệu, trong đó yêu cầu các công ty tiết lộ thông tin để những mạng xã hội như Facebook có thể bị phạt khi họ không thông báo cho người tiêu dùng về những vi phạm này. Vụ việc trên liên quan đến việc thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook mà Cambridge Analytica bắt đầu thu thập vào năm 2014. Dữ liệu đó được sử dụng để gây ảnh hưởng đến ý kiến cử tri thay mặt các chính khách thuê họ. Sau khi bị phát hiện, Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi.
Mặc dù các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về các vi phạm dữ liệu và sử dụng sai dữ liệu, trách nhiệm pháp lý của họ bị giới hạn liên quan đến nội dung do người dùng đăng trên các trang web của họ theo CDA. Điều này có nghĩa là các nền tảng truyền thông xã hội có thể tự do cho phép truy cập vào các trang web của họ mà không phải lo lắng về hành động của người dùng bên thứ ba khiến họ phải kiện tụng.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa những người dùngcũng đặt ra mối quan tâm đến quyền riêng tư. Phần lớn sự hấp dẫn của phương tiện truyền thông xã hội là có thể tương tác với những người dùng khác. Người dùng có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và thông tin trong một diễn đàn thời gian thực dễ tiếp cận. Tuy nhiên, chính sự chia sẻ thông tin này đã làm cho mạng xã hội trở thành món mồi béo bở cho việc khai thác quyền riêng tư. Nhiều luật ở cấp bang ở Mỹ đã phải hình sự hóa hành vi “khiêu dâm trả thù”, nghĩa là việc đăng tải trực tuyến các video hoặc ảnh khiêu dâm, thường là của người yêu cũ mà không có sự đồng ý của đối tượng và với ý định làm họ xấu hổ hoặc làm nhục.
Bên cạnh đó, bảo vệ riêng tư cho trẻ em trên mạng xã hội nằm trong sự bảo vệ cao của pháp luật. COPPA là luật điều chỉnh liên quan đến việc tiết lộ dữ liệu trực tuyến đối với trẻ em dưới 13 tuổi. Các trang web nhắm mục tiêu đến trẻ em không được thu thập thông tin cá nhân về một đứa trẻ mà không thông báo trước bằng văn bản về hoạt động tiết lộ của mình cũng như chưa nhận được sự đồng ý của cha mẹ. Cha mẹ thường đóng vai trò giám sát khi nói đến việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội, nhưng đôi khi họ có thể xâm phạm quyền riêng tư của con cái (cố ý hoặc vô ý) như đăng ảnh của trẻ em trực tuyến... Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn không có quyền truyền thông xã hội nào dành cho trẻ em trong những tình huống này.
Chưa hết, quyền riêng tư trên phương tiện truyền thông xã hội tại nơi làm việc cũng là chủ đề không thể bỏ qua. Với sự gia tăng sự hiện diện của phương tiện truyền thông xã hội ở nơi làm việc, có mối lo ngại chính đáng xung quanh việc vi phạm quyền riêng tư của nhân viên. Vì nghiên cứu trên mạng xã hội được các nhà tuyển dụng sử dụng để quan sát nhân viên tiềm năng, nên nhiều luật ở Mỹ đã bảo vệ quyền riêng tư của người xin việc bên cạnh các nhân viên thực tế.
Nói chung, nhiều luật tiểu bang nghiêm cấm người sử dụng lao động thực hiện các hành động sau: Yêu cầu tên người dùng, mật khẩu tài khoản hoặc thông tin đăng nhập cho các tài khoản mạng xã hội cá nhân của người xin việc/nhân viên; yêu cầu một nhân viên thêm một nhân viên, người quản lý hoặc quản trị viên khác vào danh sách liên hệ của bạn bè hoặc tài khoản mạng xã hội của họ; hoặc yêu cầu nhân viên thay đổi cài đặt quyền riêng tư…
Nỗ lực điều chỉnh Điều 230 của Luật về Chuẩn mực truyền thông
Mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 2, ba Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã trình dự luật mới nhằm giới hạn Điều 230, một phần của Luật CDA được ban hành năm 1996. Điều 230 bảo vệ bất kỳ trang web hoặc dịch vụ nào lưu trữ nội dung, như phần bình luận của các trang tin tức, dịch vụ video của Youtube, các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng. Vào tháng 1 vừa qua, Ông Biden từng trao đổi với Ban biên tập của tờ The New York Times rằng, Điều 230 “nên được thu hồi ngay lập tức.” Theo ông, không nên có chuyện bạn viết điều gì đó sai trái nhưng được miễn kiện. Trong khi đó, các giám đốc điều hành của Google, Twitter và Facebook nói rằng, luật CDA rất quan trọng đối với quyền tự do ngôn luận trên internet, ngay cả khi họ tỏ ra cởi mở với các đề xuất rằng luật cần thay đổi vừa phải. Theo các nền tảng này, Điều 230 cung cấp cho họ công cụ để đạt được sự cân bằng giữa giữ gìn quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt nội dung.
Được gọi là Dự luật Công nghệ an toàn, dự luật mới do các nghị sĩ Dân chủ đề xuất đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm làm cho mạng xã hội của Mỹ như Google, Twitter và Facebook phải có trách nhiệm hơn trong việc “tạo điều kiện cho hoạt động theo dõi mạng, ngăn chặn các hành vi quấy rối có chủ đích hay phân biệt đối xử trên nền tảng của họ”.
Sau hậu quả của cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6.1 ở Điện Capitol, Washington, nhiều nhà lập pháp Mỹ đã nghiên cứu nhiều cách để khiến các Big Tech (công ty công nghệ lớn) có trách nhiệm hơn về vai trò của họ trong việc phát tán thông tin sai lệch trước bạo loạn và về việc kiểm soát nội dung trên nền tảng của mình.
Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng thúc đẩy các dự luật riêng lẻ khác để loại bỏ hoàn toàn luật liên quan đến sự kiểm duyệt nội dung của các nền tảng công nghệ. Những lời kêu gọi thay đổi luật ngày càng lớn hơn sau khi Twitter và Facebook bắt đầu gắn nhãn các bài đăng của ông Trump về cuộc bầu cử và sau cuộc bạo động ở Điện Capitol đã chặn tài khoản của ông, với lý do có nguy cơ kích động bạo lực hơn nữa.