Tòa án internet
Cách thức hoạt động của tòa án Internet lần đầu tiên được công khai trong lễ công bố "Sách Trắng về Tư pháp Internet của ngành tòa án Trung Quốc”, được công bố ngày 4.12.2019. Theo Sách Trắng, việc tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật trên mạng góp phần xây dựng các quy tắc giao dịch trên không gian mạng cũng như quy phạm hành vi và giới hạn quyền lợi của người dùng, hoàn thiện hệ thống quy tắc xét xử tư pháp liên quan đến không gian mạng, thúc đẩy quản trị trên mạng bằng pháp luật.
Tòa án trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc được thành lập tại thành phố Hàng Châu vào tháng 8.2017. Sau đó, các tòa án tương tự được thành lập ở Bắc Kinh và Quảng Châu vào tháng 9.2018. Đây là một dạng tòa án đặc biệt, được xây dựng để tiếp nhận trực tuyến hồ sơ và xét xử trực tuyến, chỉ dành riêng cho thương mại điện tử và các vụ án liên quan đến internet. Các vụ được tòa án internet thụ lý thường bao gồm tranh chấp thương mại trực tuyến và yêu cầu bồi thường thiệt hại gây ra do sản phẩm thương mại điện tử. Đặc biệt là các tòa án này cơ bản áp dụng mô hình xét xử trực tuyến, từ khâu thụ lý hồ sơ, thu thập chứng cứ cho đến xét xử và thi hành, thông qua việc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Blockchain và Internet. Thẩm phán trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn dắt phiên tòa, nhưng vẫn có thẩm phán thật giám sát quá trình tố tụng và đưa ra phán quyết quan trọng.
Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc thông tin, các tòa án trực tuyến ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu đã tiếp nhận gần 120.000 vụ án kể từ ngày tháng 10.2019, giảm thời gian xử lý các vụ án gần 50%. Trung bình, phải mất 45 phút cho các phiên điều trần trực tuyến và 38 ngày để kết luận một trường hợp. Có tới 98% các bên chấp nhận bản án sơ thẩm mà không kháng cáo.
Theo mô hình này, Tòa án sẽ thụ lý các hồ sơ điện tử và việc xử lý sẽ được phát qua live stream, hồ sơ sẽ là các tranh chấp trong các lĩnh vực: tranh chấp hợp đồng, trách nhiệm phát sinh trong mua bán qua mạng; quyền lợi và trách nhiệm về dịch vụ internet; xâm phạm bản quyền trên internet và các khoản nợ tài chính thanh toán qua mạng.
Chỉ cách Thượng Hải một giờ đi đường, Hàng Châu được mệnh danh là “Trung tâm của thương mại điện tử”, là khởi nguồn của những công ty như Alibaba hay Netsease cũng như đã mang thương mại điện tử vượt ra khỏi địa phận Trung Quốc. Thành phố này vẫn đang dẫn đầu trong việc đặt ra các tiêu chuẩn cho thủ tục cũng như quá trình giám sát các vụ việc liên quan thương mại điện tử.
Theo thủ tục, mỗi công dân Trung Quốc đủ điều kiện khiếu nại một công ty phải được xử lý tại thành phố đặt trụ sở chính của công ty đó hoặc bảo đảm gửi tới chính xác địa chỉ của nó. Trong các năm vừa qua, theo thống kê của tòa án Hàng Châu, số lượng các vụ án liên quan thương mại điện tử tăng liên tục từ 300 vụ năm 2013 tới hơn 10.000 vụ năm 2016.
Để vụ án được thụ lý, nguyên đơn phải đưa ra các bằng chứng được xác minh qua Alipay (dịch vụ trả tiền của Alibaba) hoặc trực tiếp đưa ID của mình cho Thư ký Tòa án Hàng Châu. Khi vụ án được tiếp nhận, nó trước tiên sẽ được dàn xếp qua internet, điện thoại hay gửi các đoạn video hội ý và nếu vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp thì vụ kiện sẽ chính thức được đưa lên cho tòa án giải quyết, tất cả đều qua online.
Mỗi cá nhân cũng có thể tự đưa lên bằng chứng trong cuộc xét xử qua tài khoản mà “Tòa án online” cấp cho họ. Mọi thông tin trao đổi liên tục liên quan tới vụ án sẽ được mã hóa bởi hệ thống Alibaba Cloud. Theo website của tòa án, một vụ kiện có thể chỉ mất tới 5 phút để giải quyết và vì thế các trường hợp kiện tụng online thế này sẽ mất ít thời gian và tiền bạc để xử lý hơn.
Trong khi đó, Tòa án trực tuyến tại thành phố Hàng Châu đã tiến hành xét xử vụ kiện đầu tiên về việc tranh chấp và vi phạm bản quyền giữa một nhà văn mạng và một công ty phát hành trực tuyến. Các đại diện pháp luật tại Hàng Châu và Bắc Kinh tham dự phiên tòa qua máy tính cá nhân và phiên tòa kéo dài trong khoảng 20 phút.
Tòa án này tập trung vào các vấn đề dân sự, bao gồm các tranh chấp trong việc mua sắm trực tuyến. Nghi thức không có gì khác biệt khi các thẩm phán cũng tiến hành tuyên thệ và phiên tòa đầu tiên theo hình thức này đã được trình chiếu trên một màn hình lớn được đặt tại phòng xử án. Bị cáo và nguyên đơn xuất hiện tại “tòa” qua hình thức chat video. Hình thức tòa án trực tuyến đã giúp phá vỡ các rào cản về vị trí địa lý và tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với hình thức xử án truyền thống.
Tóa án di động
Bên cạnh tòa án internet, Sách Trắng còn giới thiệu tính năng "tòa án điện thoại di động" trên WeChat - nền tảng mạng xã hội thịnh hành ở Trung Quốc, nhằm giúp người khởi kiện và thẩm phán cảm nhận đầy đủ sự tiện lợi của tố tụng trên đầu ngón tay. Tính năng này đã được đưa vào thí điểm từ tháng 3.2019 tại một số thành phố và khu vực của 12 tỉnh ở Trung Quốc.
"Tòa án điện thoại di động" sẽ thực hiện một số khâu trong tố tụng ngay trên điện thoại di động, giúp người dùng soạn yêu cầu khởi kiện, tham gia các buổi điều trần và trao đổi chứng cứ mà không cần xuất hiện tại tòa.
Tới tháng 10.2019, số người dùng đăng ký "tòa án điện thoại di động" đạt 1,16 triệu, số luật sư đăng ký hơn 73.200, số vụ triển khai qua mạng trực tuyến đạt 3,1 triệu.
Sách Trắng cho biết Trung Quốc đang thúc đẩy việc điện tử hóa để giúp công tác xử lý đơn kiện được đơn giản hơn. Việc đặt tính năng đơn giản vào tay thẩm phán ảo sẽ giúp giảm tải cho thẩm phán con người, giúp tòa án bắt kịp với số vụ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực thi pháp luật trên không gian mạng sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi như xâm hại quyền sở hữu về dữ liệu, quyền tác giả của các trò chơi trực tuyến... từ đó bảo vệ môi trường kinh doanh internet cạnh tranh công bằng, xác lập quy tắc sở hữu, trao đổi và giao dịch các nguồn tài nguyên dữ liệu, bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ…
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng tuyên bố rằng," tòa án online sẽ đem lại một giải pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho những tranh chấp kiểu mới diễn ra trên internet” và rằng "nó cũng sẽ bảo vệ việc mua bán trên mạng bằng những quy định pháp lý cho việc tiêu thụ hàng hóa của các công ty trên mạng”.