Kể từ khi khái niệm đại dịch bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào đầu thế kỷ XX, Trung Quốc luôn là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Có thể nói, dưới sự tác động của ba đại dịch vừa qua trong đầu thế kỷ XXI là SARS, H1N1 và Covid-19, pháp luật hợp đồng Trung Quốc đã có những thay đổi mang tính hệ thống.
Trong bối cảnh đại dịch SARS năm 2003 bùng phát, pháp luật hợp đồng Trung Quốc mới chỉ quy định về sự kiện bất khả kháng chứ chưa có quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Điều 117 Luật Hợp đồng Trung Quốc năm 1999 đã quy định về việc miễn trách nhiệm cho bên không thể thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng do sự kiện bất khả kháng và cũng đưa ra khái niệm "sự kiện bất khả kháng" với những đặc điểm pháp lý là “các sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước, không thể ngăn chặn và không thể khắc phục”.
Việc mới chỉ quy định về "sự kiện bất khả kháng" trong Luật Hợp đồng năm 1999 đã khiến cho quan điểm chủ đạo của các Tòa án Trung Quốc trong thời kỳ này là nhìn nhận SARS 2003 như một sự kiện bất khả kháng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực hợp đồng dưới sự ảnh hưởng của đại dịch. Điều này có thể khiến cho việc thực hiện hợp đồng mới chỉ gặp khó khăn do sự ảnh hưởng của đại dịch không thể được giải quyết một cách chính xác.
Tới năm 2009 trước bối cảnh đại dịch cúm H1N1 bắt đầu bùng phát, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản mới chính thức được quy định trong pháp luật hợp đồng Trung Quốc tại Hướng dẫn số 2 ngày 24.4.2009 của Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) về một số vấn đề trong thi hành Luật Hợp đồng. Tại Điều 26, hoàn cảnh thay đổi cơ bản đã được định nghĩa là: “Sự thay đổi hoàn cảnh khách quan sau khi giao kết hợp đồng mà sự thay đổi đó lớn đến mức các bên không thể thấy khi giao kết hợp đồng, không thuộc trường hợp rủi ro thương mại do sự kiện bất khả kháng và việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới một bên hoặc không thể khiến đạt được mục đích của hợp đồng”.
Tuy nhiên về cơ chế giải quyết thì pháp luật Trung Quốc mới chỉ cho các bên quyền được yêu cầu tòa án sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng mà chưa cho họ quyền đàm phán lại hợp đồng.
Hiện nay, dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn, trong đó quan trọng nhất là Hướng dẫn số 1 ngày 16.4.2020 về Covid-19 và Hướng dẫn số 2 ngày 15.5.2020 về Covid-19 của TANDTC. Thông qua hai văn bản này, TANDTC đã đưa ra quan điểm mới trong việc nhìn nhận đại dịch và cũng đồng thời đưa ra những quy phạm nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của Covid-19 tới quan hệ hợp đồng, cụ thể:
Thứ nhất, đưa ra quan điểm nhìn nhận đại dịch dưới góc độ pháp lý: Trung Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt về quan điểm nhìn nhận đại dịch so với năm 2003, theo đó trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, đại dịch vừa có thể được coi là sự kiện bất khả kháng lẫn hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo quan điểm này, học thuyết về sự kiện bất khả kháng và học thuyết về hoàn cảnh thay đổi cơ bản không loại trừ lẫn nhau, một sự kiện vừa có thể được coi là sự kiện bất khả kháng cũng như là hoàn cảnh thay đổi cơ bản tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, quy định chi tiết, bổ sung quy định về sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản: Về sự kiện bất khả kháng, TANDTC Trung Quốc đã quy định chi tiết hơn, quy định về sự kiện bất khả kháng sẽ chỉ được áp dụng khi đại dịch hoặc biện pháp phòng, kiểm soát dịch trực tiếp khiến cho không thể thực hiện được hợp đồng. Bên cạnh đó, đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hai văn bản trên đã bổ sung quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng nhằm khắc phục những thiếu sót của Hướng dẫn số 2 năm 2009 về thi hành Luật Hợp đồng.
Thứ ba, đưa ra những biện pháp đối với các hợp đồng cụ thể nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của Covid-19: Nhìn chung, các quy phạm trong hai văn bản hướng dẫn của TANDTC Trung Quốc đều hướng tới nhằm duy trì quan hệ hợp đồng trong bối cảnh đại dịch thông qua việc khuyến khích các bên sửa đổi và hạn chế việc chấm dứt hợp đồng vì khó khăn trong việc thực hiện do sự ảnh hưởng của Covid-19 với các biện pháp phòng, kiểm soát dịch.