Theo ClientEarth, vụ việc của Bangladesh đã được một tổ chức phi Chính phủ (Nhân quyền và Hòa bình cho Bangladesh, HRPB) đệ đơn vào năm 2016, liên quan đến việc sông Turag bị phá hủy do ô nhiễm và các công trình xây dựng bất hợp pháp dọc sông. Tòa án Tối cao Bangladesh cho rằng, Chính phủ phải bảo vệ các con sông. Thậm chí, tòa còn đi xa hơn thế khi dựa vào quyền tài phán của mình, đã trao quyền hợp pháp cho sông Turag, đồng thời phán quyết cho Ủy ban Bảo vệ sông quốc gia (NRPC) đóng vai trò là người giám hộ cho nó và các con sông khác. Tòa án chỉ đạo các lệnh đổi mới hơn nữa đối với Chính phủ, bao gồm việc ngăn chặn những người chiếm đất được bảo đảm các khoản vay ngân hàng và tổ chức các lớp học cho sinh viên tại các trường đại học và công nhân nhà máy để họ hiểu về tầm quan trọng của các dòng sông.
Trước trường hợp của Bangladesh, Ecuador từng đưa các quyền đối với thiên nhiên (“Pacha Mama”) vào một chương của Hiến pháp được phê chuẩn năm 2008, trong khi Bolivia thông qua luật công nhận các quyền của thiên nhiên vào năm 2010. Những quy định này cũng được áp dụng cho các tòa án. Ví dụ, vào năm 2011, Tòa án tỉnh Loja của Ecuador ban hành lệnh dựa trên điều khoản Hiến pháp này đối với đơn của hai cá nhân. Tòa án đã tạm dừng dự án mở rộng đường dẫn đến việc bồi lấp một lượng lớn đất đá và các vật liệu khác trên sông. Các thẩm phán cho rằng, cần phải áp dụng nguyên tắc phòng ngừa để mang lại hiệu quả thiết thực cho các quyền của tự nhiên. Họ cũng đảo ngược nghĩa vụ chứng minh yêu cầu chính quyền cấp tỉnh có trách nhiệm chứng minh dự án sẽ không làm hỏng dòng sông.
Năm 2017, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ New Zealand và một bộ tộc người Maori bản địa đã dẫn đến thỏa thuận công nhận quyền của dòng sông Whanganui, vốn được coi là tổ tiên tinh thần của bộ tộc này. Vụ việc diễn ra sau khi báo cáo năm 1999 của một tòa án được thành lập đặc biệt đã chỉ ra những khác biệt trong quan niệm giữa luật thông thường và quyền sở hữu của người Maori. Dựa trên báo cáo đó, chính phủ đã thương lượng một thỏa thuận dàn xếp với người Maori vào năm 2014, và biến nó trở thành luật vào ngày 20.3. 2017. Luật đã đặt ra một loạt các biện pháp để điều chỉnh việc xử lý các vấn đề liên quan đến dòng sông, đồng thời thành lập văn phòng “Te Pou Tupua”, mô hình giám hộ với một đại diện của bộ lạc và một đại diện của Chính phủ.
Cũng trong năm 2017, một tòa án bang ở miền Bắc Ấn Độ ra tuyên bố, sông Hằng và Yamuna phải được coi là những thực thể sống có quyền hợp pháp. Ở đây, tòa án dựa trên phát hiện của họ trên cơ sở tôn giáo, cho rằng các con sông được coi là người trong đạo Hindu, vốn là tôn giáo của hơn 50% dân số Ấn Độ. Tòa cũng đặc biệt đề cập đến đạo luật năm 2017 từ New Zealand. Tuy nhiên, bản án đã bị đình chỉ để chờ kháng cáo ở Tòa án Tối cao Ấn Độ. Dẫu vậy, nó đã truyền cảm hứng cho cơ quan lập pháp của bang Madhya Pradesh của Ấn Độ thông qua đạo luật công nhận các quyền của sông Narmada.
Song song đó, vào tháng 5.2017, Tòa án Hiến pháp Colombia đã cấp tư cách pháp nhân cho sông Atrato. Vụ việc bắt đầu với đơn khởi kiện của tổ chức phi Chính phủ Tierra Digna, trong đó nội dung tập trung vào các hoạt động khai thác bất hợp pháp dọc sông. Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, luật nhân quyền quốc tế và sự công nhận quốc tế về các quyền “văn hóa sinh học”, Tòa án đã trao quyền giám hộ chung trên sông cho đại diện của Chính phủ và đại diện của các cộng đồng bị ảnh hưởng. Tòa án còn ra lệnh thành lập một ủy ban giám hộ rộng lớn hơn, bao gồm một đội cố vấn để lập kế hoạch khôi phục lòng sông, bờ và khu vực xung quanh.
Rõ ràng, tất cả các trường hợp, luật và thỏa thuận được đề cập ở trên có sự khác biệt đáng kể, bởi vì chúng xuất phát từ bối cảnh của từng quốc gia và dựa trên các học thuyết pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, một khía cạnh chung thú vị là sự công nhận các quyền của các dòng sông trong mọi trường hợp đều được sử dụng làm cơ sở để đưa ra các biện pháp cải tổ.
Ở Colombia, New Zealand, Ấn Độ và Bangladesh, các tòa án đã chỉ định những người giám hộ để bảo vệ các con sông. Các phán quyết của Bangladesh và Ấn Độ đều cấp tư cách giám hộ cho các thành viên của Chính phủ, trong khi ở New Zealand và Colombia, sự tham gia bình đẳng của các cộng đồng bị ảnh hưởng đã được chính thức công nhận.
Mặc dù các động thái của một số nước kể trên có tác động thực tế gì và liệu xu hướng đó có tiếp tục ở nhiều nơi khác hay không. Nhưng rõ ràng đây là sự tiến triển thú vị vì đã ghi nhận được tình trạng thảm khốc mà nhiều dòng sông trên thế giới đang phải đối mặt.