Công khai chênh lệch lương
Dự luật sửa đổi Luật Công ty năm 2021 được đưa ra nhằm đạt được 3 mục tiêu chính sách là: Cải thiện khả năng kinh doanh thuận lợi theo một số quy định của Luật Công ty; cung cấp sự minh bạch hơn về hệ số lương ở cấp công ty, và giải quyết quyền sở hữu thực sự hoặc có lợi của các công ty, để giải quyết các thách thức về rửa tiền. Trong đó, trọng tâm chính nhận được nhiều quan tâm của dự luật mới là “tỷ lệ tiền lương”. Theo đó, các công ty dự kiến sẽ minh bạch hơn về sự khác biệt giữa những người có thu nhập thấp nhất và cao nhất. Bộ trưởng Bộ Thương mại, công nghiệp và cạnh tranh Nam Phi Ebrahim Patel cho biết, dự luật yêu cầu các công ty niêm yết công khai và các công ty nhà nước phải công khai thông tin về chênh lệch lương giữa các giám đốc điều hành và người lao động trong các báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của họ.
Trước đây, phiên bản năm 2018 của dự luật đề xuất một số thông tin sẽ phải được công bố hàng năm: Tổng mức thù lao của nhân viên được trả lương cao nhất trong công ty; tổng mức thù lao của nhân viên được trả thấp nhất trong công ty; mức lương trung bình và mức thù lao trung bình của tất cả nhân viên; chênh lệch về thù lao phản ánh tỷ lệ giữa người lao động được trả lương thấp nhất và người lao động được trả lương cao nhất.
Mặc dù vẫn còn phải xem các chi tiết chính xác sẽ được yêu cầu đối với các công ty trong phiên bản năm 2021 của dự luật, Bộ Thương mại, công nghiệp và cạnh tranh Nam Phi đã xác nhận, hệ số lương sẽ được đưa vào.
Thách thức lịch sử
Theo ông Patel, chênh lệch lương là thách thức lịch sử ở Nam Phi và là một trong những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng ở nước này.
Dự luật có khả năng sẽ bảo đảm quản trị cổ đông mạnh mẽ hơn khi nó đề cập đến vấn đề trả lương quá cao cho giám đốc đối với các công ty. Cổ đông và các bên liên quan cũng sẽ nhận thức rõ hơn về chênh lệch lương không bền vững.
Bộ trưởng Patel giải thích, các công ty thường cho rằng chênh lệch lương phù hợp với các công ty khác và là điều cần thiết để thu hút và giữ chân những người có trình độ. Nhưng việc công bố chênh lệch lương bảo đảm “tiêu chuẩn khách quan của thông tin” trên thị trường, mà sau đó các cổ đông và các bên liên quan khác có thể đánh giá đúng.
Dự luật không quy định tỷ lệ tiền lương giữa giám đốc điều hành và người lao động phải là bao nhiêu, mà là thúc đẩy sự minh bạch, vốn có thể giúp việc bỏ phiếu của cổ đông hiệu quả hơn hiện tại.
Ông nói: “Bản thân các cổ đông có thắc mắc rất lớn về các chính sách thù lao điều hành và để một cổ đông có được thông tin khách quan, đã được xác minh, sẽ có thể nâng cao vai trò của họ trong việc xác định đâu là chính sách đãi ngộ phù hợp trong công ty”. Ông nói thêm, việc cung cấp thông tin công khai, rõ ràng hơn sẽ cho phép các cổ đông thực hiện các quyền và trách nhiệm của họ đầy đủ hơn.
Chẳng hạn, dự luật quy định phải có báo cáo về chính sách thù lao sẽ được trình bày tại Đại hội cổ đông để thông qua theo nghị quyết thông thường. Một khi được thông qua, chính sách sẽ phải được trình bày 3 năm một lần, hoặc bất cứ khi nào có những thay đổi quan trọng. Nếu chính sách thù lao không được thông qua thì phải được trình bày tại Đại hội cổ đông tiếp theo, cho đến khi được chấp thuận. Các thay đổi đối với chính sách chỉ có thể được thực hiện khi các cổ đông chấp thuận nó.
Bộ trưởng Patel tin rằng, việc tiết lộ chênh lệch lương cũng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty. Bên cạnh đó, còn cho phép các bên liên quan trong các công ty có thể thảo luận với nhau, từ đó thúc đẩy sự gắn kết hơn.
Lâu nay, mức lương cao của các giám đốc điều hành là một điểm gây tranh cãi lớn trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Nam Phi. Một số công ty niêm yết tại JSE (Sở giao dịch chứng khoán Johannesburg - một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Phi) đã bị các cổ đông giám sát chặt chẽ về mức trả lương cao cho giám đốc điều hành.
Năm 2020 chứng kiến sự tăng đột biến số cổ đông của các công ty niêm yết bỏ phiếu chống lại mức trả lương cao cho lãnh đạo điều hành tại các cuộc họp chung thường niên, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.
Dữ liệu do Thống kê Nam Phi vừa công bố cho thấy, mức lương trung bình trả cho người lao động trong khu vực chính thức đã tăng nhẹ 1,7% so với quý trước từ 23.127 R (đồng rand, tương đương với 0.066 USD) vào tháng 2.2021 lên 23.526 R vào tháng 5.2021. Điều này tương đương với mức lương hàng năm khoảng 282.312 R một năm, không bao gồm bất kỳ khoản tiền thưởng hoặc ưu đãi bổ sung nào. Để so sánh, dữ liệu do công ty dịch vụ chuyên nghiệp PwC công bố vào tháng 8 cho thấy, tổng chi phí của công ty được thanh toán trên JSE đưa ra mức lương trung bình cho các giám đốc điều hành là 5,17 triệu R trong giai đoạn này.